Tuyên Quang: Nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ

Chủ nhật, 16/09/2018 16:45
(ĐCSVN) - Những năm qua, việc phát triển, nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thu được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống; trong đó dân tộc Kinh chiếm 46%, Tày chiếm 26%, Dao chiếm 13%, Sán Cháy chiếm 8%... Cùng với quá trình phát triển, mỗi dân tộc đã xây dựng cho mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng để cùng tạo lên bức tranh văn hóa sinh động, phong phú của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh phát triển hoạt động văn nghệ quần chúng; trọng tâm là thực hiện chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ tại các khu dân cư. Thông qua đó đã góp phần đưa hoạt động nghệ thuật quần chúng ngày càng phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; có nhiều khởi sắc cả về mặt sáng tác và biểu diễn, nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, chi hội văn học nghệ thuật được thành lập ở các địa phương, đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

Sinh hoạt của các đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ ở Tuyên Quang
thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân (Ảnh: MH)

Đến giữa năm 2018, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng, trên 200 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Đây là lực lượng hoạt động thường xuyên phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân. Các đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hoạt động sôi nổi đã thu hút đông đảo nhân dân đủ thành phần, lứa tuổi tham gia. Vào những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương…, bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa những “nghệ sỹ không chuyên” đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Bình quân hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức trên 4.000 buổi biểu diễn ở cơ sở, phục vụ trên hàng chục vạn lượt người xem. Sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích văn hóa, văn nghệ đến từ các câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ đã là một trong những nhân tố tích cực góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của tỉnh Tuyên Quang phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, nhiều địa phương đã khai thác có hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ xóm, bản như các huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương...

Tìm hiểu được biết, chỉ riêng tại huyện Lâm Bình đã có 107 đội văn nghệ, 5 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Đặc biệt, ở một số thôn phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn như thôn Nặm Đíp (Lăng Can); Nà Tông, Nà Đông (Thượng Lâm); Nà Muông (Khuôn Hà)... có từ 2 - 3 đội văn nghệ với 7 - 15 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ khách du lịch… Còn tại huyện Chiêm Hóa hiện cũng đã có 45 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, trong đó có 26 câu lạc bộ của các xã, thị trấn, 15 câu lạc bộ của các đơn vị trường học, còn lại là câu lạc bộ của một số thôn, bản. Toàn huyện có 508 đội văn nghệ quần chúng của các thôn, bản, cơ quan, đơn vị; 100% số xã, thị trấn trong huyện đều có đội văn nghệ. Chủ trương đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Lâm Bình, Chiêm Hóa và nhiều huyện, thành phố khác ở Tuyên Quang đã trực tiếp góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Đồng thời, các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào văn nghệ của các địa phương không ngừng phát triển và nâng cao về chất lượng.

Đội văn nghệ quần chúng xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
biểu diễn phục vụ người dân (Ảnh: MH)

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các đội, câu lạc bộ văn nghệ phát triển như đầu tư hệ thống âm thanh; dành nhà văn hóa xã cho các câu lạc bộ tập luyện hàng tuần; tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, đội văn nghệ đi giao lưu với các xã bạn; tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng với sự chuẩn bị chu đáo, công phu… Chị Nịnh Thị Thu, thành viên Câu lạc bộ hát Sình ca dân tộc Cao Lan ở xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang chia sẻ, được tham gia tập huấn, chị được học hỏi thêm nhiều điểm độc đáo của nghệ thuật hát Sình ca. Vì vậy, chị đã thường xuyên trao đổi với những người có cùng sở thích để mọi người cùng tập luyện được nhiều tiết mục hay, đặc sắc phục vụ nhân dân. Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan.

Theo đồng chí Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn, đến nay qua đánh giá cơ bản các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh đều hoạt động rất hiệu quả. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ đã thường xuyên tổ chức giao lưu với các đơn bị bạn; đồng thời tham gia biểu diễn tại các dịp lễ, các ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước.

Thực tế cho thấy, chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân mà còn tạo môi trường thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của các dân tộc. Thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, qua đó thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở; đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Bài, ảnh: Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực