Về nguồn, nhớ Quốc dân Đại hội tháng 8/1945

Thứ hai, 04/01/2016 16:40
(ĐCSVN) - Chuyến đi về nguồn vừa qua, ấn tượng nhất để lại trong tôi, đó là Quốc dân Đại hội năm 1945 diễn ra tại Đình Tân Trào.

 Các thành viên Hội đồng Chính phủ sau phiên họp tại Lập Binh, xã Bình Yên, Sơn Dương năm 1948 
(Ảnh: Bảo tàng Tân Trào)

Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội năm 1945 thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Tuyên Quang), trước đây gọi là đình Kim Long, được dựng cách làng 400m về phía Tây. Đình nhìn về hướng Nam, trước mặt là ngọn núi Ao Rừm, dưới chân núi là dòng suối Khuôn Pén. Đình dựng năm 1853 (năm thứ 6 triều vua Tự  Đức), có kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, vật liệu thuần gỗ, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình được dựng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đình thờ thành hoàng làng và 7 vị sơn thần xung quanh làng Kim Long. Cũng như bao ngôi đình ở miền núi, đình Tân Trào là kết quả lao động, là sản phẩm nghệ thuật, sáng tạo của nhân dân ở đây. Đình Tân Trào còn có giá trị đặc biệt, được Bác Hồ, Trung ương Đảng ta chọn làm nơi họp Quốc dân Đại hội ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945.

Sáng kiến triệu tập Quốc dân Đại hội của đồng chí Hồ Chí Minh đã hình thành từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941), Hội nghị phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp “Lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân đại hội cử lên”.

Dự đoán thiên tài của Người về “cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa” trong thư gửi Quốc dân đồng bào tháng 10 năm 1944,  Người nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải triệu tập Đại hội đại biểu Quốc dân để thành lập “Một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể Quốc dân ta; cơ cấu tổ chức đó phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và đoàn thể ái quốc bầu cử ra”, “một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các nước hữu bang”.

Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào năm ấy có hơn 60 vị đại biểu đại diện cho ba miền Bắc – Trung - Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị,  một số kiều bào ở nước ngoài. Quốc dân Đại hội được khai mạc ở đình Tân Trào. Hôm đó, đình được trang hoàng đẹp đẽ, xung quanh đình căng vải đỏ, gian giữa dùng để triển lãm một số sách báo tuyên truyền cách mạng: Báo Việt Nam mới, Cờ giải phóng… và một số vũ khí ta thu được của địch. Chái phía Đông là nơi Đại hội, chái phía Tây là nơi nghỉ ngơi của các vị đại biểu, trên sàn có những dãy ghế ghép lại bằng tre mai, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng và bàn chủ tịch Đoàn. Chủ trì Đại hội là đồng chí Trường Chinh. Tại Đại hội, Bác được bầu vào Đoàn chủ tịch với tên kính yêu "Hồ Chí Minh". Tuy còn yếu mệt, nhưng Bác đã đóng góp nhiều ý kiến góp phần đưa Đại hội đến thành công. Tại Đại hội, các vị đại biểu được nghe báo cáo của đồng chí Trường Chinh về tình hình thế giới, trong nước: Quân Đồng Minh đang thắng lớn trên các mặt trận, ngày thất bại của trục phát xít Đức - Ý - Nhật sắp đến, thời cơ khởi nghĩa cả nước đã điểm. Bản báo cáo nêu rõ yêu cầu cấp bách cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng, để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Báo cáo cũng nêu lên mười điều cần thực hiện để giành chính quyền, đảm bảo độc lập tự do cho đất nước, lợi ích của các tầng lớp nhân dân...

Với không khí sôi nổi và khẩn trương, Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 sách lớn, trong đó điểm đầu tiên là “Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập”; bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam gồm 15 người do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Phó chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu. Uỷ ban này thay mặt Quốc dân giao thiệp với nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước. Đại hội quy định Quốc ca là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, Quốc kỳ là lá cờ nền đỏ giữa có ngôi sao vàng năm cánh.     

Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng chính thức ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Một chi tiết thật sự xúc động, Bác đọc lời tuyên thệ: “ Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội  bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!”. Giọng Bác trang nghiêm, lời thề ngắn gọn, hùng hồn, thể hiện khí phách kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Đình Tân Trào chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến khí thế sôi nổi của Quốc dân Đại hội trong những ngày đầu hừng hực của khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.        

Đình Tân Trào ngày nay.

Quốc dân Đại hội Tân Trào, ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945 là mốc son chói lọi  mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong những bài học của Tân Trào cũng như bài học của Cách mạng Tháng Tám có giá trị vĩnh hằng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam Quốc dân Đại hội Đại biểu cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn dân kiên quyết đấu tranh cho nước độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”.

Đình Tân Trào mãi mãi ghi nhớ giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Đại hội Quốc dân Tân Trào là Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước nhà, thể hiện lòng tin sâu sắc của nhân dân với Đảng, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào cả nước lúc bấy giờ nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước phát đi từ Tân Trào, nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vang dội, lập chính quyền nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước: Kỷ nguyên độc lập dân tộc, được đánh dấu bằng sự kiện trọng đại của dân tộc - đó là ngày 6 tháng Giêng năm 1946, nhân dân ta được tự do bầu ra Quốc hội của dân, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực bằng bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam./.

TS. Nguyễn Đức Vân

(Viết theo tài liệu của Bảo tàng Tân Trào)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực