Vương miện và trách nhiệm cộng đồng

Thứ hai, 08/08/2016 15:56
(ĐCSVN) - Để hai từ "Hoa hậu" đáng được trân trọng như nó vốn có, hơn ai hết, các người đẹp cần xác định trách nhiệm của mình với cộng đồng khi đội trên đầu chiếc vương miện cao quý.


Vương miện Hoa hậu Việt Nam 2016. (Ảnh: VOV)


Trong các cuộc thi về nhan sắc đang "bùng nổ" hiện nay thì Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi sắc đẹp luôn được nhiều người kỳ vọng và mong đợi. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngay tại cuộc thi sắc đẹp được cho là uy tín nhất này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi xuất phát từ chuyện không trung thực của các người đẹp. Hoa hậu Việt Nam 2008 Trần Thị Thùy Dung đã từng vướng vào scandal ngay sau khi đăng quang khi cô chưa tốt nghiệp THPT. Gần đây nhất, các trang mạng đăng tải thông tin kèm đoạn video clip cho rằng Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên hút thuốc tại một quán cà phê và hình ảnh Kỳ Duyên bị tố là say xỉn trong quán rượu khiến dư luận xã hội có ý kiến nhiều chiều. Đơn vị thường trực Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam  vừa ra thông báo tước quyền đồng hành với các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2016 của hoa hậu 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Ngoài ra, toàn bộ hình ảnh của cô - dành để quảng bá cho chương trình từ đây đến hết chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 bị gỡ bỏ. Không được xuất hiện ở đêm chung kết đồng nghĩa với việc Kỳ Duyên không phải là người trao lại vương miện cho hoa hậu kế nhiệm.

Sự việc lần này của Hoa hậu Kỳ Duyên khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của hoa hậu trong việc giữ hình ảnh trước công chúng. Hoa hậu là hình mẫu để nhiều người noi theo, do đó, không ai chấp nhận một “tấm gương” phóng túng. Một cô gái đang đội trên đầu chiếc vương miện danh giá, và sở hữu danh xưng vinh quang thì cô gái ấy không thể chỉ tỏa sắc khoe hương, là “bông hoa” đẹp nhất trong một đêm mà còn phải thực hiện nghĩa vụ từ danh hiệu cao quý cho những năm tiếp theo.

Công chúng kỳ vọng vào những việc làm có ích của các người đẹp sau khi đăng quang. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao sau khi đăng quang, hoa hậu xuất hiện tại các even, quảng cáo… nhiều hơn là đi làm từ thiện. Dường như họ đã bỏ qua trách nhiệm của chiếc vương miện với cộng đồng như đáng lẽ cần phải có.

Bên cạnh đó, ngoài việc thực hiện các chương trình từ thiện trong khuôn khổ của cuộc thi, hoa hậu ít phải gắn với những trách nhiệm cụ thể nào khác. Kể cả Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi lớn nhưng hiện các người đẹp đăng quang lại chưa có cơ hội tham dự các đấu trường nhan sắc quốc tế, mà chủ yếu hoạt động trong nước, bằng việc đi sự kiện và sống nhờ danh hiệu chứ chưa có nhiều vai trò trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam như kỳ vọng của công chúng. Nhiều người đẹp dự thi hoa hậu cũng chỉ để trở thành... hoa hậu. Hoa hậu Ngọc Hân, hoa hậu Thu Thảo đã từ chối tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế như Hoa hậu thế giới hay Hoa hậu hoàn vũ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra: Nếu việc đại diện cho phụ nữ của đất nước dự thi sắc đẹp quốc tế không phải là trách nhiệm của hoa hậu thì họ đăng quang ngôi vị chỉ để đi làm từ thiện theo kế hoạch của Ban tổ chức ư?

Chính những điều đang diễn ra tại các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam khiến nhiều người cho rằng: Trước đây, hoa hậu là biểu tượng của sắc đẹp, một danh hiệu luôn mang sứ mệnh hướng đến cộng đồng, trách nhiệm với xã hội. Nhưng giờ đây, có lẽ hoa hậu cũng đã trở thành một “nghề” có thu nhập rất cao. Bởi, sau khi đăng quang hoa hậu, ngoài vương miện, tiền thưởng họ cũng nhận được rất nhiều lời mời dự tiệc, quảng cáo, đại diện thương hiệu...

Khi những tranh cãi về trách nhiệm và chiếc vương miện của hoa hậu vẫn còn thì cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cũng đang diễn ra. Theo thông tin của Ban tổ chức cuộc thi, chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam 2016 trị giá 2,2 tỉ đồng, có điểm nhấn đặc biệt là 5 viên ngọc trai South Sea quý với những đường lượn sóng tượng trưng 5 châu 4 biển. Tổng số ngọc trai gắn trên vương miện là 63 viên, tương ứng với 63 tỉnh thành của Việt Nam. Để tạo nên chiếc vương miện này, ngoài những viên ngọc trai là 3.260 viên đá sapphire lấp lánh.

Nhìn vào chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam 2016 chắc hẳn nhiều người vẫn đang hy vọng: khi mức thưởng ngày càng cao, làm nên chiếc vương miện ngày càng "nặng" thì Ban tổ chức cuộc thi cũng nên khiến cho sức sống của nó ngày càng dài ý nghĩa hơn. Bởi, suy cho cùng, việc thiếu định hướng cho hoa hậu sau cuộc thi, để xảy ra những sự việc không đáng có được xem là trách nhiệm của Ban tổ chức cuộc thi. Công chúng kỳ vọng công tác định hướng cho các người đẹp sau khi đăng quang sẽ được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản hơn./.

Hồng Ngọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực