Hai nghệ nhân An Giang được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú

Thứ sáu, 26/08/2016 21:01
(ĐCSVN) - Tâm huyết, sáng tạo, tận tụy với nghề, gương mẫu trong cuộc sống, được mọi người kính trọng... đó là nhận xét của nhiều người khi nói về nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chi và nghệ nhân Võ Văn Tạng ở tỉnh An Giang.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết: Theo đề nghị của UBND tỉnh An Giang, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2016 đã họp xét với 100% phiếu thuận  đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2016 cho 87 cá nhân. Trong số 87 cá nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, tỉnh An Giang có hai nghệ nhân được vinh danh.


Nghệ nhân Kim Chi (người quàng khăn) với những bức tranh thêu được trưng bày triển lãm. (Ảnh: NC)

Đó là, nghệ nhân Kim Chi, người dân tộc Chăm - Giám đốc HTX thêu may Kim Chi,  TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nghệ nhân đã thực hiện sáng kiến “Phương pháp thêu mũi chữ thập 2 mặt phải” để thiết kế mẫu thêu chữ thập mang đậm văn hóa Việt Nam với hình ảnh phong cảnh, sông nước, con người miền Tây, được nhiều khách hàng yêu thích. HTX đã được cấp “Bằng độc quyền sáng chế” của Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ 20 năm. Không dừng lại đó, nghệ nhân Kim Chi còn có sáng kiến “Phương pháp thêu tranh có màu sắc, họa tiết khác nhau trên cùng 1 tấm vải”, khác biệt với tranh thêu của một số  đơn vị thêu khác sử dụng được 2 mặt với  màu sắc, hoạ tiết hoàn toàn giống nhau, ví dụ như bức tranh thêu thiếu nữ Việt Nam của HTX, một mặt có hình thiếu nữ mặc áo dài màu đỏ nhưng mặt sau thiếu nữ lại mặc áo dài màu xanh.

 
Nghệ nhân Võ Văn Tạng. (Ảnh: NC)

Nghệ nhân Võ Văn Tạng, ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang là người đầu tiên vẽ tranh bằng “bút lửa” trên lá thốt lốt (loại cây chỉ có ở các huyện miền núi của An Giang như Tịnh Biên, Tri Tôn), làm nên những những bức tranh rất sinh động. Kể từ ngày cho ra đời bức tranh chép có tên “Tùng hạc” trên lá thốt nốt đầu tiên vào năm 1996, đến nay, ông đã thực hiện hàng ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ, đề tài khác nhau rất độc đáo và phong phú. Đặc biệt, bức tranh “Bản Di chúc Bác Hồ” khổ 1,22 m x 2,24 m đã được xác lập kỷ lục Việt Nam./.

Ngọc Cầm (CTV)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực