Kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân Đào Tấn

Thứ ba, 19/09/2017 17:19
(ĐCSVN) - Ngày 19/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Nhà hát tuồng Việt Nam phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Trích đoạn tác phẩm của danh nhân Đào Tấn tại buổi lễ kỷ niệm. (Ảnh: Hương Sen)

Tại buổi lễ, Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhấn mạnh: Đào Tấn là nhà nho yêu nước, 30 năm làm quan, ba lần làm Tổng đốc, bốn lần làm Thượng thư, dốc lòng chăm lo cho dân và bảo vệ nền văn hóa dân tộc, là một tài năng lớn về nghệ thuật được người đời tôn vinh là hậu Tổ nghệ thuật hát bội (tuồng). Từ năm 17 tuổi, Đào Tấn đã sáng tác tuồng và làm thơ rất hay.

Đào Tấn đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa đồ sộ, một khối lượng kịch bản tuồng, vở diễn tuồng và văn, thơ cũng như lý luận về sân khấu khó ai bì kịp. Vua Tự Đức đánh giá Đào Tấn có “bút pháp như thần”. Vua Thành Thái coi Đào Tấn là bậc thầy. Ngoài sáng tạo nghệ thuật, ông còn chăm lo đến đào tạo nghệ thuật, “Học bộ đình” là trường học do Đào Tấn mở ra ở thành phố Vinh (Nghệ An) – đây được coi là trường dạy nghệ thuật sân khấu đầu tiên ở nước ta từ thế kỷ 19.

Giáo sư Hoàng Chương khẳng định: Nhiều vở tuồng của Đào Tấn như Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các, Quan Công hồi cổ thành, Khuê các anh hùng... đã được khai thác biểu diễn và quay thành phim nhựa, phim video, vừa để phục vụ cho công chúng rộng rãi, vừa phục vụ cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy ở các trường nghệ thuật sân khấu trong cả nước. Việc tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản Đào Tấn là cần thiết và cấp thiết để Đào Tấn không chỉ là hậu Tổ nghề tuồng, là danh nhân văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn phải là danh nhân văn hóa thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khẳng định, Đào Tấn là một nhà hoạt động văn hóa toàn tài với một sự nghiệp trước tác phong phú, đồ sộ, ít người sánh kịp, không những trong lịch sử văn hóa nước ta mà còn trên thế giới. Kỷ niệm 110 năm ngày mất của Đào Tấn là dịp để thế hệ sau tôn vinh danh nhân văn hóa kiệt xuất của đất nước, tích cực hành động nhằm kế thừa, phát triển các di sản vô giá mà ông để lại, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Vương Duy Biên đề nghị các đơn vị nghệ thuật tuồng cũng như các đơn vị sân khấu trên cả nước nên có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới phục vụ người xem hôm nay. Ông cũng mong muốn tỉnh Bình Định có kế hoạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc để phát huy tốt khu nhà thờ Đào Tấn ở quê hương Tuy Phước, Bình Định.

Đào Tấn sinh năm 1845, tại làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; mất năm 1907. Từ thời trẻ, Đào Tấn đã viết các vở Tuồng nổi tiếng: Tân Dã Đồn, Đảng Khấu, Tam Bảo Thái Giám Thủ Bửu, vở Vạn Hữu Trình Tưởng dài 100 hồi và diễn 100 đêm liên tục. Trong thời gian làm quan, Đào Tấn viết hàng chục vở tuồng nổi tiếng cùng hàng ngàn bài thơ và từ có giá trị.

Đào Tấn sáng lập và chủ trì hoạt động của rạp hát “Như Thị Quan” ở Nghệ An và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên “Học bộ đình” tại Nghệ An và Bình Định để đào tạo nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhiều thế hệ. Đào Tấn còn được coi là một nhà văn lớn của đất nước khi sáng tác hơn 1.000 bài thơ, từ và bút ký./.

Huy Lê
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực