Những cây viết trẻ đang khẳng định mình

Thứ năm, 29/09/2016 18:30
(ĐCSVN) - Ngày 29/9, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX tiếp tục diễn ra tại Hà Nội với nhiều hoạt động sôi nổi. Trong đó, có 2 tọa đàm thơ và văn xuôi với chủ đề “Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo” và “Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn, nhà thơ.

Hai buổi tọa đàm đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình bày tỏ về: tính tư tưởng, giá trị nhân văn làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm; sự quan trọng của trải nghiệm, dấn thân vào đời sống thực tế; vấn đề phải đổi mới, sáng tạo, cách tân như thế nào là đúng, đủ và phù hợp nhằm thể hiện vai trò và sự đóng góp của lực lượng nhà văn, nhà thơ trẻ cho quá trình phát triển văn học - xã hội nước nhà…; ý thức về trách nhiệm của người cầm bút, khát vọng khẳng định cái tôi cá nhân, tạo phong cách riêng… Các vấn đề về tính thị trường của văn học cũng được nêu ra để thảo luận.

Các nhà văn cho rằng: Nhập cuộc, sáng tạo của mỗi nhà văn là khác nhau. Tuy nhiên, khá nhiều người viết trẻ ngày nay gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng, khẳng định tiếng nói của mình trên văn đàn, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tạo của họ.

Tọa đàm “Thơ trẻ: Truyền thống và cách tân”.

Về đề tài và chất lượng tác phẩm, các tác giả nhận định: Bên cạnh việc chủ động lựa chọn những đề tài hay, điều quan trọng nhất để có được những bạn đọc trung thành vẫn là chất lượng, sức hấp dẫn của tác phẩm văn học. Hiện nay có sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng. Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ, nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Trong khi đó, thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí là về cả lí tưởng.

Một số ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm, xác lập cái mới cho riêng mình nên đôi khi đã bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mĩ, về phẩm cách nghề nghiệp. Thực ra, cách tân không phải đạp đổ mà là khám phá, bởi xét cho thấu đáo thì cái đích cuối cùng của cách tân và hiện đại là để trở thành truyền thống và cổ điển.

Trước thực tế có nhiều người làm thơ nhưng lại ít người thích đọc thơ, không ít cây bút trẻ đã bày tỏ sự băn khoăn khi đang phải tự bỏ tiền xuất bản thơ. Tại cuộc tọa đàm, các nhà thơ trẻ đã chia sẻ cách thức đưa thơ gần hơn với đời sống bằng cách quảng bá thơ trên mạng xã hội hay lồng ghép thơ với các công cụ truyền thông đa phương tiện như video, clip, blog... bên cạnh những phương pháp truyền thống như trình diễn, đọc thơ... Khi thơ được cộng đồng đón nhận thì cơ hội xuất bản thơ sẽ nhiều hơn.

Tọa đàm “Văn trẻ: Nhập cuộc và sáng tạo”.

Các nhà thơ trẻ cũng cho rằng: để quảng bá thơ một cách rộng rãi, những người cầm bút phải được bảo vệ bản quyền trên cơ sở pháp luật. Muốn thơ của mình đến với độc giả thì mỗi nhà thơ phải là một nhà truyền thông của chính tác phẩm của mình.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Các cây bút trẻ ngày nay hầu hết là những người viết phi thường. Họ có sức viết dồi dào, nhanh nhạy với thời cuộc và cũng đầy đam mê, sáng tạo. Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khuyên những người viết trẻ không nên chỉ quan tâm tới số lượng bởi nó không nói lên điều gì trong văn học. Mỗi người viết cần đầu tư cho sáng tạo, bám sát thời cuộc tạo ra dù chỉ một tác phẩm nhưng cũng có thể khẳng định tên tuổi của một thiên tài văn chương. Các nhà văn trẻ hãy viết những tác phẩm như Xuân Quỳnh nói “tác phẩm nào cũng như tác phẩm cuối đời mình”./.

Tin, ảnh: HN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực