Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài: Cần một chiến lược xứng tầm

Thứ ba, 05/01/2010 11:35
Untitled 1

"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" bằng tiếng Hàn
(ĐCSVN) - Từ nhiều năm nay, việc giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được quan tâm và có những bước chuyển dịch; song, nhìn chung, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược xứng tầm với những thành tựu của văn học nước nhà nhằm đem đến cho bạn bè quốc tế một cái nhìn toàn diện về văn học Việt Nam. Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội từ 5-10/1/2010 sẽ là kỳ vọng cho những quyết định mang tính đột phá nhằm thúc đẩy văn học dịch phát triển.

Giao lưu văn học được xem là bộ phận quan trọng của ngoại giao văn hóa, một trong những hoạt động nằm trong chiến lược ngoại giao đa diện được đặc biệt nhấn mạnh trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay của chúng ta. Sau Cuộc gặp gỡ quốc tế những người dịch văn học Việt Nam lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 2002, sự giao lưu văn học của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới liên tiếp có nhiều hoạt động tích cực. Đến nay, số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu ra nước ngoài ngày càng nhiều. Đó không chỉ là kết quả nỗ lực của những dịch giả trong nước mà còn có sự góp sức của những dịch giả nước ngoài. Tiêu biểu, năm 2003, dịch giả Ahn Kyong Hwan lần đầu tiên đã công bố bản dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn; bản dịch này 4 lần được tái bản liên tiếp. Năm 2004, Ahn Kyong Hwan tiếp tục công bố bản dịch tiếng Hàn tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Năm 2008, ông đã hoàn thành bản dịch và đưa vào xuất bản tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Một giáo sư Hàn Quốc khác – Bac Yang Su, người tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ nhất, cũng đã cho xuất bản bản dịch tiếng Hàn tiểu thuyết “Áo trắng” của Nguyễn Văn Bổng năm 2006; sau đó, ông lại hoàn thành bản dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Cùng thời điểm này, 9 tác phẩm văn học Việt Nam cũng được nhiều dịch giả ở Thụy Điển dịch và đưa vào xuất bản. Đáng chú ý, việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam sang tiếng Nga sau nhiều năm vắng bóng, gần đây đã có những dấu hiệu tích cực. Nữ giáo sư Tachiana Philimônôva - người cũng tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ nhất - mới đây đã hoàn thành bản dịch tiếng Nga “Tuyển tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp”...

Tuy nhiên, theo một thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2007, chúng ta mới chỉ có gần 600 tác phẩm văn học Việt Nam từ văn học cổ cho đến nay được dịch và giới thiệu ra nước ngoài. Con số này cho thấy việc giới thiệu và quảng bá ra nước ngoài chưa tương xứng với những giá trị của văn học Việt Nam. Gần đây, mặc dù chúng ta có những tác phẩm của dịch giả Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài nhưng đó mới chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, giới thiệu qua con đường tiểu ngạch, bằng các mối quan hệ cá nhân, chưa phải là hoạt động mang tính Nhà nước. Rõ ràng chúng ta đang thiếu một chiến lược xứng tầm để giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Chúng ta đang cần một lộ trình, một cơ chế, chính sách rõ rệt, một kế hoạch tổng thể và dài hạn cho lĩnh vực này.

Góp phần giải quyết vấn đề trên, Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức với mục tiêu cung cấp cho dịch giả quốc tế một cách có hệ thống bề dày và các giá trị của văn học Việt Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cũng như mối tương quan của văn học với nền văn hóa Việt Nam. Đây cũng là dịp tập hợp đội ngũ dịch giả Văn học Việt Nam trong nước và nước ngoài, giúp họ có một cái nhìn toàn diện, đúng đắn và sâu sắc hơn về diện mạo của văn học Việt Nam để có thể tiếp cận, lựa chọn, xây dựng kế hoạch dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, góp phần đẩy mạnh giao lưu văn học, ngoại giao văn hóa giữa nước ta với bạn bè quốc tế.

So với Hội nghị lần thứ Nhất, Hội nghị lần này do Trung ương tổ chức, được Hội Nhà văn trực tiếp thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương do đồng chí Phùng Hữu Phú - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương làm Trưởng Ban. Nếu như Hội nghị lần thứ nhất, chúng ta mới chỉ có 25 đại biểu quốc tế của 12 nước tham dự thì Hội nghị lần này đã có hơn 150 đại biểu chính thức, đại diện cho 35 quốc gia thuộc tất cả các châu lục tham gia. Hội nghị sẽ có các chương trình thảo luận theo nhóm để trao đổi sâu 4 chuyên đề gồm: Văn học cổ điển, văn xuôi Việt Nam, thơ Việt Nam và gặp gỡ các nhà văn trẻ. Nhằm giúp các dịch giả nước ngoài có dịp thâm nhập cảnh quan và môi trường văn hóa Việt Nam, Ban Tổ chức đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình tham quan tại Tuần Châu - Quảng Ninh, giao lưu với các nhà văn Quảng Ninh; tham quan viện Bảo tàng Dân tộc học; tham quan Phủ Thành Chương; xem diễn rối nước, nghe quan họ Bắc Ninh và sẽ có một buổi gặp gỡ với UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, các đại diện của các nhà xuất bản tham dự Hội nghị sẽ có những cuộc trao đổi, ký kết những thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ngay trong những ngày diễn ra Hội nghị.

Giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phần quan trọng trong xu thế hội nhập, không chỉ vì lợi ích của riêng Việt Nam mà còn đáp ứng nguyện vọng tìm hiểu văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam của bạn bè quốc tế, góp phần vào việc hoàn thiện bức tranh văn học rộng lớn của nhân loại. Với ý nghĩa đó, Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 sẽ là một dấu mốc quan trọng góp phần vào việc xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, cũng như xây dựng một cơ chế, chính sách thích hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho công tác dịch thuật, xuất bản, giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Hội nghị được kỳ vọng sẽ có những quyết định mang tính đột phá nhằm thúc đẩy văn học dịch phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực