Tiếng cười trong vở "Tactuyp" của Môlie

Thứ tư, 20/07/2011 11:27

(ĐCSVN) - Môlie (1622 – 1673) là một trong những nhà văn, nhà viết kịch lỗi lạc nhất của chủ nghĩa cổ điển Pháp và của cả nền văn học Pháp. Ham mê kịch từ khi còn nhỏ, ông cùng với những người bạn xây dựng một đoàn kịch vào năm 1643. Qua kinh nghiệm thực tế phong phú, Môlie dần trở thành người lãnh đạo toàn đoàn kịch và tự xác định cho mình một đường lối nghệ thuật chân chính. 

Hài kịch Môlie thấm thía một chủ nghĩa nhân văn tươi sáng yêu đời, nó làm thức tỉnh con người. Các sáng tác của ông đều hàm chứa trong nó những tiếng cười ý nghĩa, có giá trị giáo dục thẩm mỹ sâu sắc.

Môlie là người sáng lập nền hài kịch Pháp. Ông đã hy sinh cả cuộc đời cho một loại hình văn học lúc ấy bị khinh miệt. Ông đã nâng cao nó lên, biến nó thành một loại văn có giá trị xã hội lớn lao. Môlie đã góp phần nâng nghệ thuật văn học và ngôn ngữ Pháp lên một trình độ cao hơn so với những thế kỷ trước. Từ đầu thế kỷ XVII, văn học Pháp bước vào một giai đoạn phát triển mới, sự hình thành của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa cổ điển tiếp tục văn học thời đại Phục hưng, đề cao triết học tự nhiên, đề cao lý trí và là một trào lưu văn học mang những tính chất độc đáo. Cuối thế kỷ XVII, nước Pháp lâm vào cảnh nội chiến kéo dài, ngăn trở việc thống nhất quốc gia, những cuộc khởi nghĩa của nông dân, liên kết với những người thợ thủ công nổ ra liên tiếp. Những mâu thuẫn giữa giai cấp quý tộc phong kiến và giai cấp tư sản càng ngày càng trở nên gay gắt. Văn học cổ điển chủ nghĩa ở Pháp đã phản ánh triều đại đầy mâu thuẫn ấy. Phần nhiều tác phẩm được sáng tác để trình diễn nơi cung đình và được phân chia ra làm hai loại: loại “cao quý” như bi kịch và loại “ thấp kém” như hài kịch. Đặc biệt hài kịch của Môlie và ngụ ngôn của La Phôngten công kích kịch liệt những thế lực phong kiến bóp nghẹt đời sống của con người và chế giễu bọn quý tộc.

Trong ba năm, từ năm 1664 đến năm 1666, Môlie lần lượt sáng tác ba vở kịch lớn nhất của ông là “Tactuyp", "Đông Juăng" và "Kẻ ghét đời”. Tác phẩm "Tactuyp" được diễn lần đầu tiên tại Verxay ngày 12 tháng 5 năm 1664. Nhưng mãi cho tới năm 1669, vở kịch mới được phép diễn ngoài công chúng và đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt. "Tactuyp"  mang nội dung xã hội, chính trị sâu sắc và tiến bộ. Hình ảnh của Tactuyp chính là hình ảnh của sự đàn áp, của sức mạnh tàn khốc. Từ một tên lưu manh, Tactuyp trở thành  "ông chủ" của gia đình Orgông. Sau tác phẩm "Tactuyp", Môlie sáng tác vở hài kịch lớn viết bằng văn xuôi “Đông Juăng”. Dưới ngòi bút của Môlie, Đông Juăng hiện lên nguyên hình là một kẻ sống ăn bám, cái vẻ hào hoa phong nhã bên ngoài chứa đựng một tâm hồn mục nát. Chỉ có một thế lực duy nhất tồn tại, đó là đồng tiền. Sau "Đông Juăng", là vở kịch “Kẻ ghét đời”. Tác phẩm này có một địa vị đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Môlie. Môlie đưa lên sân khấu một người trung thực, dũng cảm. Ông đã sáng tạo một tác phẩm có tính hiện thực sâu sắc và tố cáo toàn bộ xã hội phong kiến, nó còn mang tính chất trữ tình phong phú, diễn tả được khát vọng tự do của nhà văn.

Hài kịch Môlie là một điểm mốc quan trọng trên văn đàn thế giới nói chung và nền nghệ thuật sân khấu nói riêng. “Tactuyp” là một trong những tác phẩm có tiếng của Môlie mà hầu như toàn thế giới đều biết đến. Trong vở kịch “Tactuyp” ẩn chứa rất nhiều tiếng cười, thông qua tính cách nhân vật và những tình huống kịch mà Môlie tấn công dữ dội vào hiện thực đen tối của xã hội thời bấy giờ. Với những tiếng cười nhạo báng, Tactuyp đã “tuyên chiến” với tôn giáo, thầy tu, các tu sĩ.

Ngoài tiếng cười hài kịch, “Tactuyp” còn có những tiếng cười khôi hài, mỉa mai, châm biếm, thậm chí cười cả ra nước mắt. Tiếng cười hài kịch nhằm mang lại sự vui vẻ cho người xem. Chúng được vang lên từ những hành động rập khuôn rất máy móc, những từ ngữ lửng lơ lắm nghĩa, những sự ngây ngô của nhân vật… Tiếng cười còn khắc họa được tính cách nhân vật và gây được ấn tượng cho người xem. Ví dụ như cách thể hiện tính cách nóng nẩy của Orgong bằng những câu “Im đi”, “Quân bạc ác”…. Tính cách gian xảo, bỉ ổi, lừa lọc của Tactuyp “vâng, bác ạ, tôi là một tên xấu, một tên phạm tội, một thằng sa ngã khốn nạn….có sự sỉ nhục nào xứng đáng với tôi”.

Một cung bậc cảm xúc của tiếng cười được Môlie sử dụng trong vở kịch là tiếng cười khôi hài. Môlie không sử dụng tiếng cười này một cách bừa bãi, mà nó chỉ dành cho những đối tượng nhất định ở mức độ nhất định. Môlie sử dụng tiếng cười này vào việc phản ánh sự sùng đạo một cách mù quáng của Orgong, Cuộc tranh cãi của Valerơ (người yêu của Marian) với Marian (con gái Orgong) khi Marian bị ép gả cho Tactuyp. Môlie còn lên tiếng ủng hộ cho những tình yêu chân chính, phù hợp với tự nhiên, ông bênh vực cho họ nhưng ông cũng chứng minh được rằng sự đam mê trong tình yêu là vô hạn do đó sự hiểu lầm là hiển nhiên:

 “Valerơ:  Thưa cô, thế bây giờ cô định như thế nào?

Marian : Em không biết.

Valerơ : Trả lời hay quá nhỉ. Cô không biết à?

Marian: Không.

Valerơ : Không à ?

Marian: Anh khuyên em thế nào?

Valerơ : Tôi ấy à? Tôi khuyên cô lấy quách đi thôi.”

Ở một cung bậc khác cao hơn cung bậc của tiếng cười khôi hài là tiếng cười mỉa mai. Nó thuộc một tầm cao hơn và được thể hiện qua cách đánh giá, chê bai hoặc giễu cợt. Nó không chỉ vạch ra những mâu thuẫn của sự vật hiện tượng mà còn có sự đánh giá sự vật hiện tượng đó.

Ở những nơi mà sự chê bai được ngụy trang bởi những sự khen ngợi, sự phi lý xuất hiện dưới mặt nạ nghiêm túc, tạo ra vẻ sâu sắc, điều đó tạo nên hiệu quả hài hước, tạo nên những tiếng cười mỉa mai, châm biếm mang đậm ý nghĩa xã hội. Ở đây, tiếng cười mỉa mai cũng có thể có tác dụng khắc họa tính cách nhân vật giống như tiếng cười hài hước. Để khắc họa tính cách mộ đạo một cách mê muội, khó tỉnh ngộ của bà Pecnen (mẹ Orgong). Một tiếng cười mỉa mai xen lẫn một chút thương hại khi bà không chịu tin lời của con trai mình nói về Tactuyp.

Đôrin: Tội nghiệp!

Bà Pecnen: Con ạ, mẹ không thể tin rằng ông ta lại định làm một việc đen tối như thế.

Ogrong: Mẹ bảo sao?

Bà Pecnen: Xưa nay những người đạo cao đức vẫn hay bị ghen ghét.”

Tiếng cười mỉa mai chủ yếu vang lên ở sự chế giễu, sùng đạo một cách mù quáng với Ogrong, sùng bái một con người giả dối như Tactuyp.

“Tôi bảo cho chị biết , con tôi chưa làm một việc gì khôn ngoan cho bằng việc đón vị sùng đạo ấy về nhà này.”

Tóm lại tiếng cười mỉa mai này đều gắn chặt với tính cách nhân vật chính, làm đậm nét nhân vật chính. Sắc thái cười của hài châm biếm cao hơn, gay gắt hơn so với hài kịch. Tiếng cười châm biếm trong "Tactuyp" lên cán cái xấu xa đội lốt tốt lành, bênh vực lẽ phải, bênh vực cho tình yêu chân chính của Valerơ và Marian, thói đạo đức giả của Tactuyp, sự sùng đạo điên cuồng của Ogrong. Qua tiếng cười này, bộ mặt đểu giả của Tactuyp hiện ra trước mắt mọi người.

“Tactuyp: Chao ôi! Lạy chúa, tôi xin chị hãy cầm cái khăn tay này rồi hãy nói.

Đôrin: Làm sao kia?

Tactuyp: Chị che cái ngực đi, tôi không bao giờ nhìn kỹ được, những thứ ấy làm thương tổn linh hồn và nảy ra những ý nghĩ tội lỗi.”

Tactuyp vẫn tỏ ra kiêu ngạo và ngạo mạn, thói đạo đức giả vẫn được che kín sau lớp áo tu hành, lớp áo tu hành đấy chỉ được lột bỏ khi nói chuyện với Enmia.

Môlie không dừng lại ở việc tái hiện cái nghịch cảnh ngộ nghĩnh bên ngoài. Ông giấu kín bên trong tiếng cười những vấn đề nghiêm trọng nhất, những vấn đề về xã hội,…. Môlie luôn là một nhà hài kịch tài ba. “Tactuyp” của ông mang trong mình những tiếng cười khỏe khoắn, nhiều cung bậc, mang ý nghĩa xã hội và giáo dục thẩm mỹ cao./. 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực