Việt Nam dựng kịch kinh điển để hội nhập với thế giới

Chủ nhật, 03/01/2010 21:43

Cảnh trong vở "Âm mưu và tình yêu" do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Ảnh: ĐTT. 

Sân khấu kịch Việt Nam đang “khủng hoảng”, “buồn vì nhà hát không sáng đèn”, nhiều tỷ đồng được bỏ ra nhưng thực sự chưa có được kịch bản, vở diễn nghệ thuật chất lượng cao, để lại ấn tượng sâu đậm cho những người làm nghề và khán giả…Đó là nhận định của nhiều nghệ sỹ tên tuổi trong làng kịch Việt Nam khi nói về sân khấu kịch những năm gần đây. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để đưa sân khấu kịch hiện đại ra khỏi khủng hoảng, tự tin hội nhập, giao lưu với sân khấu kịch thế giới?

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: Muốn hội nhập, giao lưu với sân khấu thế giới, Việt Nam phải nói bằng ngôn ngữ hiện đại ngang hàng với quốc tế. Có nghĩa là người Việt Nam phải dựng, phải diễn và thưởng thức những vở kịch kinh điển thế giới bằng cách của người Việt Nam. Cách của người Việt Nam chính là kế thừa, khai thác tinh hoa của sân khấu truyền thống có bề bày lịch sử lâu đời. Đây chính là cách tốt nhất, khả thi nhất hiện nay để đưa sân khấu ra khỏi cuộc khủng hoảng và tự tin hội nhập, đối thoại với sân khấu thế giới. Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Lê Chức cũng nói rằng “Tự đổi mới - tức là biết tồn tại trong điều kiện hội nhập thế giới và kinh tế thị trường. Đổi mới là làm tăng thêm giá trị bản chất sáng tạo của sân khấu, làm dầy dạn thêm bản lĩnh truyền thống, đặt chiếc nhẫn ngọc của sân khấu Việt Nam trong cái hộp đẹp được chế tác từ các hợp kim nhân loại đương đại, cùng tồn tại - giao lưu - phát triển”…

Đạo diễn, NSND Lê Hùng, đồng Giám đốc của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ đã sớm nhận ra “con đường sáng” và ông đã bắt tay thực hiện ý tưởng dựng các vở kịch kinh điển thế giới tại Việt Nam. Sau thành công của các vở kinh điển thế giới như “Ôtenlô”, “Mắc bét”, “Nhà búp bê”, “Ngôi nhà quỷ ám”, “Lôi vũ”…trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Lê Hùng tiếp tục một tay dàn dựng 2 vở kinh điển “Con vịt trời” và “Brand” của nhà viết kịch nổi tiếng thế giới Henrik Ibsen, bản dịch tiếng Việt của cố nhà văn Đoàn Phú Tứ. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, có một người đồng đạo diễn cho 2 vở kịch kinh điển thế giới.

NSND, đạo diễn Lê Hùng khẳng định rằng: Hai vở diễn đều thuộc loại khó dàn dựng và ông đã ấp ủ ý định dựng 2 vở này từ rất lâu. Tuy một tay dựng 2 vở cho 2 nhà hát nhưng NSND Lê Hùng sẽ có màu sắc riêng để bộc lộ hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Hai họa sỹ gạo cội của làng mỹ thuật sân khấu là NSND Phùng Huy Bính và NSND Đỗ Doãn Châu cùng tham gia thiết kế sân khấu cho 2 vở kịch với những sáng tạo độc đáo, ý tưởng xuất phát từ tinh hoa của sân khấu truyền thống dân tộc.

Vở “Con vịt trời” với nhân vật chính là gia đình Hialmar Êkdal là người lười nhác, thường xuyên ảo tưởng, huyênh hoang, luôn bắt mọi người phải đánh giá cao mình và những thành tựu của mình trong tương lai. Hialmar sống cùng vợ là Gina, và cô con gái ngây thơ, trong sáng Hêtvig. Gia đình này đang sống rất yên ổn dù đời sống vật chất còn nghèo khổ. Bi kịch xảy ra khi cả gia đình biết được sự thật nghiệt ngã: Trung uý Êkdal trước kia đi tù là do Vêclê hại, vợ của Hialmar chính là người đàn bà cũ của Vêclê còn Hêtvig lại là con ruột của Vêclê, sự giúp đỡ của Vêclê với gia đình Êkdal chỉ là một màn kịch…Cả gia đình Êkdal rơi vào khủng hoảng giống như “con vịt trời” bị trúng đạn và kết cục là cô bé Hêtvig đã phải tự sát với mong muốn cứu vãn gia đình mà cô hết mực yêu thương.

Vở “Con vịt trời” chỉ có 2 cảnh, hoạ sỹ, NSND Phùng Huy Bính đã thiết kế sân khấu nằm gọn trong tập kịch bản của Ibsen chỉ với hai màu chủ đạo là đen và trắng, kể cả trang phục của các diễn viên. Khi sân khấu mở ra cũng chính là lúc trang sách mở ra, mọi buồn vui, bi kịch và cả cái chết của cô bé Hêtvig cũng nằm gọn trong cuốn sách. Cái chết của cô bé Hêtvig cũng chính là lúc cuốn sách từ từ khép lại. Sân khấu mở, không cứng nhắc, vị trí các vật dụng có thể thay đổi theo ý đồ của đạo diễn hoặc diễn xuất của diễn viên…

Vở “Brand” nói về một mục sư trẻ tuổi tên là Brand rất cương trực, thẳng thắn, không bị chi phối bởi quyền lực. Brand luôn tự thấy mình có thiên hướng cần thực hiện đến cùng là dìu dắt nhân dân lên đỉnh cao của cuộc sống tinh thần. Để thực hiện sứ mệnh đó, Brand đã dắt vợ con đến một vùng núi cao băng tuyết xa xôi hẻo lánh để xây dựng nhà thờ truyền bá tư tưởng của mình. Bi kịch xảy ra với Brand khi con chết vì rét, vợ không chịu nổi đói rét cũng bỏ đi. Brand vẫn tiếp tục thực hiện ý tưởng lớn của cuộc đời. Cuối cùng nhà thờ cũng xây xong nhưng đã sụp đổ ngay sau đó, còn Brand chết trong chính nhà thờ lộng lẫy mà ông khổ công xây dựng…

Vở kịch “Brand” đánh dấu bước thành công rực rỡ trong sự nghiệp của Ibsen. Hoạ sỹ, NSND Đỗ Doãn Châu là người thực hiện thiết kế mỹ thuật sân khấu cho vở “Brand” đã đánh giá rằng: Đây là vở kịch rất hay nhưng cũng khó thiết kế mỹ thuật hơn nhiều so với các vở kịch khác của Ibsen. Vở kịch có tính triết học sâu sắc do đó không thể thiết kế mỹ thuật như những vở diễn thông thường. Nhân vật Brand có khát vọng rất lớn lao, nên hoạ sỹ Doãn Châu nhấn mạnh: Phải xuất phát từ tính ước lệ, tượng trưng cao của sân khấu truyền thống mới có thiết kế được mỹ thuật cho vở diễn này. Toàn bộ trang trí mỹ thuật cho sân khấu của “Brand” chỉ là một con dốc ngắn và khung trời nhỏ hẹp di động và thay đổi màu sắc phù hợp với diễn biến tâm trạng nhân vật…Không giống với vở “Con vịt trời”, phục trang của “Brand” được thể hiện hoàn toàn từ chất liệu bao tải, vải gai, dây thô… nhằm tạo bức tranh thô mộc, làm nổi rõ khát vọng của nhân vật chính…

Dự kiến trong quý I/2010, hai vở diễn sẽ ra mắt khán giả. Các nghệ sỹ của Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ hy vọng sẽ mang lại 2 vở kịch hấp dẫn, chất lượng nghệ thuật cao để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả đồng thời mang tiếng nói nhân văn sâu sắc của Ibsen đến với đông đảo công chúng Việt Nam. Đại sứ quán Hoàng gia Nauy tại Việt Nam đã tài trợ một phần kinh phí để dựng hai vở kịch này tại Việt Nam …/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực