Hiệu quả sau 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 37 về đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Thứ ba, 25/06/2019 19:39
(ĐCSVN) - Ngay sau khi Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao được ban hành, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và cơ sở.

Qua nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 37 -NQ/TW, các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của nhân lực có tay nghề cao trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đã xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao của tỉnh.

Học sinh Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc được các thầy giáo hướng dẫn thực hành, sử lý các tình huống trực tiếp trên hệ thống máy móc hiện đại (Ảnh: Dương Chung)

Cụ thể hóa Chỉ thị đưa vào cuộc sống

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 37-CT/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế của địa phương như: Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 15/6/2016 về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND, ngày 22/12/2015 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 7620/KH-UBND, ngày 27/10/2016 về việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề cho giáo viên dạy nghề trọng điểm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020...

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể của tỉnh về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao có nhiều chuyển biến rõ nét. Số lượng lao động được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề ngày một tăng. Công tác quản lý nhà nước về nhân lực có tay nghề cao được thực hiện tốt; hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả. Đến nay Vĩnh Phúc còn 39 cơ sở GDNN, gồm: 07 trường Cao đẳng; 05 trường Trung cấp; 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 05 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đảm bảo thu gọn đầu mối và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp của tỉnh.

Giai đoạn 2014-2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã được đầu tư 193,652 tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị dạy nghề, trong đó: Ngân sách Trung ương 42,080 tỷ đồng, ngân sách địa phương 151.572 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 07 trường được phê duyệt và lựa chọn nghề trọng điểm với 10 ngành, nghề cấp độ quốc gia, 06 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 11 ngành, nghề cấp độ quốc tế, đó là những ngành, nghề chủ đạo, cần nhiều lao động có trình độ kỹ năng nghề cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổng quy mô tuyển sinh hàng năm theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp các cơ quan có thẩm quyền cấp cho các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh là 62.241 người, trong đó: trình độ cao đẳng: 8.248 người (chiếm 13,3 %); trình độ trung cấp: 11.842 người (chiếm 19,0%); trình độ sơ cấp: 42.151 người (chiếm 67,7%). Giai đoạn 2014-2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh được 130.716 người, trong đó: Trình độ cao đẳng: 5.768 người (chiếm 4,40%); trình độ trung cấp: 25.571 người (chiếm 19,6 %), trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 99.377 người (chiếm 76,0 %). Kết quả đào tạo các nghề trọng điểm đạt 26.529 người, trong đó: trình độ cao đẳng 4.838 người, trung cấp 16.643 người, sơ cấp và dưới 3 tháng: 5.048 người.

Chất lượng đào tạo luôn được các nhà trường chú trọng, thể hiện ở chất lượng đầu ra của học sinh, sinh viên (HSSV) sau tốt nghiệp. Hàng năm tỷ lệ HSSV được xếp loại tốt nghiệp khá, giỏi đạt trên 65%. Tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó số HS tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 80%. Ngoài ra, HSSV của các cơ sở GDNN cũng tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, thi tay nghề các cấp và đạt giải cao ở cấp toàn quốc. Đây là hoạt động thiết thực nhằm đào tạo, bồi dưỡng những lao động có tay nghề cao.

Công tác phân luồng học sinh sau THPT và THCS đạt kết quả khả quan, những học sinh không thi đỗ vào đại học, không tiếp tục học chương trình THPT có nhu cầu học nghề đều được đáp ứng hoặc được tư vấn lựa chọn các ngành, nghề học phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh kinh tế gia đình và điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Hằng năm, 70% học sinh học tiếp THPT, gần 30% tham gia học chương trình tổng hợp bổ túc THPT - nghề, hoặc bố trí học nghề.

Việc đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao được tỉnh quan tâm chỉ đạo; từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc có 04 trường (trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, trường Cao đẳng nghề Cơ khí Nông nghiệp, trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 và trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại) đã tiếp nhận chuyển giao từ Úc, Đức, Pháp và triển khai đào tạo thí điểm theo chuẩn quốc tế trình độ cao đẳng các nghề: Công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.994 giáo viên giáo dục nghề nghiệp (các cơ sở GDNN Trung ương 876 giáo viên; các cơ sở GDNN thuộc tỉnh 1.118 giáo viên), trong đó trình độ trên đại học 678 người (tiến sỹ: 23, thạc sỹ 655), chiếm 34%; trình độ đại học 846 người, chiếm 42,5%; trình độ cao đẳng 131 người, chiếm 6,5%; trình độ trung cấp 155 người, chiếm 7,8%; trình độ khác 184 người, chiếm 9,2%. Đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhiều nhà giáo đã đạt giải cao tại các hội thi cấp Quốc gia dành cho nhà giáo.

Từ năm 2016 đến năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc và trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lựa chọn triển khai đào tạo thí điểm theo chuẩn quốc tế trình độ cao đẳng do Úc và Pháp chuyển giao với các ngành: nghề Công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp và điện tử công nghiệp. Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 được Bộ LĐ - TB&XH lựa chọn triển khai đào tạo theo chuẩn quốc tế trình độ cao đẳng đào tạo nghề Hàn và trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại đào tạo nghề Điện công nghiệp do Đức chuyển giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được đầu tư xây dựng nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu học tập của người học; sự gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách về GDNN và giải quyết việc làm còn chung chung; nhiều hoạt động chưa đến được với người dân, dẫn đến một bộ phận cán bộ, người dân chưa nắm được chủ trương, chính sách của nhà nước về đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, dẫn đến việc chỉ đạo, định hướng ở cấp cơ sở còn bất cập...

Tiếp tục phát huy hiệu quả Chỉ thị với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW và Kế hoạch số 20-KH/TU của Tỉnh ủy; thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai là, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn lao động và nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, đổi mới hình thức, phương pháp đào nghề và tăng cường quản lý chất lượng đầu ra ở các cơ sở GDNN, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động; xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề hàng năm trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo nghề và tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bốn là, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện xã hội hóa GDNN, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển đào tạo nghề. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa./.

Nguyễn Thị Duyên
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực