Vĩnh Phúc: Nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả khả quan trong năm 2018

Thứ sáu, 16/11/2018 18:44
(ĐCSVN) - Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2018 có xu thế tốt hơn, đã dần đi vào chiều sâu. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Quán triệt quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành năm 2018 của UBND tỉnh là tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng. Đồng thời tổ chức đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Kết quả nổi bật năm 2018 đã đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,06%, vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (7,5-8%). Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng có tốc độ tăng trưởng khá và có mức tăng cao nhất từ năm 2016 trở lại đây, ước tăng 13,54% so với năm 2017, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của tỉnh (đóng góp 6,61 điểm % tăng trưởng). Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, cao hơn mức tăng năm 2016 và năm 2017, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,24 điểm %. Các ngành dịch vụ tăng 7,36%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,57 điểm %.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2018 có xu thế tốt hơn, đã dần đi vào chiều sâu. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng. Ước năm 2018 quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt gần 93,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 9,56%) so với năm 2017, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 85,62 triệu đồng/người/năm, tăng 6,57 triệu đồng/người/năm so với năm 2017. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 8,52% năm 2017 còn 8,17% năm 2018; công nghiệp – xây dựng tăng từ 59,62% lên 60,71%; dịch vụ giảm từ 31,86% còn 31,12% do năm 2018, tăng trưởng khu vực dịch vụ thấp hơn tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng.

Bên cạnh đó, thu, chi ngân sách của tỉnh dự kiến đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời, đến hết năm 2018 có 103/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 92% tổng số xã trên toàn tỉnh. Các giải pháp phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chuyển biến tốt, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2018 Trung tâm HCC của tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng kinh tế của tỉnh vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đạt thấp, tình trạng dân bỏ đất sản xuất còn nhiều. Tiến độ triển khai các dự án còn chậm, phải điều chỉnh, cải cách hành chính chưa đạt như mong muốn, còn nhiều nút thắt.

Về nhiệm vụ năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất mục tiêu tổng quát gồm: Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cùng với đó, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, về chỉ tiêu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP - giá so sánh 2010 đạt 7,5-8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 30-32% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 27,973 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 24,423 nghìn tỷ đồng. Thu hút vốn FDI đạt 300 triệu USD và vốn DDI đạt 3 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm 0,5-1% so với năm 2018. Giải quyết việc làm mới cho khoảng 23 nghìn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%. Số bác sỹ/vạn dân khoảng 12,9 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 24,66%. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 85%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%.

Để đạt được các nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất chủ đề chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó, đặc biệt chú trọng bổ sung chỉ tiêu về thu hút đầu tư./.

 

NK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực