Vĩnh Phúc: Phấn đấu đến năm 2020 có 265 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả

Thứ sáu, 07/12/2018 13:59
(ĐCSVN) - Nhằm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển 15.000 Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỉnh có 265 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 31/8/2018, trên địa bàn tỉnh có 220 Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò trong các dịch vụ hỗ trợ thành viên, đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm, thực hiện giảm nghèo bền vững. Hoạt động của HTX đã góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, xã hội và ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn nông thôn.

Trong đó, một số HTX đã thực hiện tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng thu nhập.

Những HTX thành lập mới trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng, đa dạng về đối tượng tham gia, lĩnh vực hoạt động, quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh, bước đầu tạo sự lan tỏa có hiệu quả trên địa bàn nông thôn.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều HTX mặc dù đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 nhưng mới thay đổi về chức danh, còn lại các nội dung khác vẫn tồn tại như trước. Các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh còn mang tính thời vụ, ngắn hạn, không có phương án, kế hoạch dài hạn, phương án sản xuất, kinh doanh hàng năm. Tỷ lệ áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, kinh doanh còn thấp.

Sản xuất kinh doanh không ổn định, bị động, thiếu sự liên kết chặt chẽ lâu dài, thiếu các sản phẩm mang tính mũi nhọn có giá trị hàng hóa cao, do vậy hiệu quả kinh tế mang lại thấp gây mất lòng tin ngay trong chính nội tại thành viên HTX. Tài sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX nghèo nàn và xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ cho hoạt động của HTX.

Đa số cán bộ trong ban quản lý HTX chưa được qua đào tạo, do đó, năng lực quản lý còn hạn chế, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Nhằm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỉnh có 265 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Trong đó, về sản xuất, hoàn thiện, nâng cao chất lượng phương án tổ chức sản xuất của HTX theo hướng chuyên canh, thâm canh cao, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với nông dân và doanh nghiệp.

Về dịch vụ, thực hiện tốt các khâu dịch vụ cung ứng sản phẩm đầu vào cho thành viên như: làm đất, giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm,…

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, địa phương xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thực về thực hiện Đề án 15.000 HTX theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ của Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến cán bộ, đảng viên, người lao động trên địa bàn tỉnh thông qua Hội nghị, các lớp tập huấn, xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển HTX theo Luật Hợp tác xã, tuyên truyền các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu hoạt động có hiệu quả, những gương điển hình tiên tiến tích cực tham gia phong trào thi đua, đóng góp vào việc đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp có hiệu quả.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở NN&PTNT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực HTX nông nghiệp trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nội dung liên quan trong kế hoạch; quan tâm bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức thuộc Chi cục Phát triển Nông thôn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hàng năm mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản trị kinh doanh và kỹ năng làm việc đối với cán bộ Ban quản lý và thành viên HTX; riêng đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực và tư vấn cho các HTX tham gia thí điểm mô hình áp dụng công nghệ cao, kinh phí hỗ trợ bình quân 20 triệu đồng/HTX.

Bên cạnh đó, khuyến khích các HTX tham gia hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường ở trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp thông qua quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, đối với nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng khác ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất tiền vay.

Hàng năm, các Sở ngành và địa phương thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại HTX, xác định tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc hỗ trợ thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển làm căn cứ động viên, khen thưởng kịp thời, thực hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến về HTX hoạt động có hiệu quả làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực