Vĩnh Phúc: Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp

Thứ tư, 12/12/2018 16:35
(ĐCSVN) - Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức xác minh, theo dõi chặt chẽ và thực hiện đợt kiểm tra chuyên đề đối với 100% cơ sở kinh doanh.
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp với 8 địa điểm thông báo hoạt động bán hàng đa cấp là: Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long (Hà Nội): 2 cơ sở; Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Hà Nội): 1 cơ sở; Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (Hà Nội ): 5 cơ sở.

Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết, các doanh nghiệp đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ kinh doanh liên quan; sản phẩm bày bán (và lưu kho) có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định...

Mặc dù thủ tục, hồ sơ và hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cơ bản chấp hành đúng các quy định của Nhà nước, song do các "công ty mẹ" đều có trụ sở chính tại Hà Nội nên việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn hạn chế. Mặt khác, công tác quản lý, kiểm tra đối với hoạt động bán hàng và phân phối sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là việc xác minh, làm rõ các hành vi vận động tuyển người để xây dựng mạng lưới bán hàng, đóng góp các khoản phí khi tham gia bán hàng đa cấp. Trong khi chính những hoạt động này là kẽ hở phát sinh các vi phạm khiến kinh doanh đa cấp bị biến tướng, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, làm mất niềm tin của người dân.

Nhằm từng bước chấn chỉnh và đưa hoạt động kinh doanh đa cấp đúng pháp luật, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tích cực xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, chế tài xử phạt đối với các hành vi kinh doanh đa cấp trái pháp luật. Kết quả, cả nước đã có hàng chục doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị lực lượng chức năng điều tra, xử lý và có trường hợp đưa ra khởi tố.

Đồng thời, để siết chặt công tác quản lý, ngày 8/10/2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo Nghị định số 141, các tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Yêu cầu người khác phải đặt cọc (hoặc nộp một khoản tiền nhất định) để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa.

Nghị định 141/2018/NĐ-CP cũng bổ sung mức phạt từ 20 - 25 triệu đồng đối với cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị phạt; phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực