Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới

Thứ năm, 10/10/2019 16:08
(ĐCSVN) – Hệ thống cấp ủy và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách lớn, một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội.
Nước ta đang hướng tới thực hiện chính sách BHYT toàn dân (Ảnh:minh họa. Nguồn: PV)

Đặc biệt, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, việc thực hiện chế độ BHYT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được cải thiện, chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tính hiệu quả của một Chỉ thị

Ngay sau khi Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” được ban hành, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và cơ sở. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn bộ nội dung của Chỉ thị đã được quán triệt sâu rộng tới tất cả cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác BHYT trong tỉnh.

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 38-CT/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế của địa phương như: Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 37-TTr/TU, ngày 29/1/2010 về thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành 12 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 04 nghị quyết; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành 02 chỉ thị, 04 kế hoạch, 02 quyết định. Chỉ đạo đưa các chỉ tiêu thực hiện chính sách BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương; tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác BHYT nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia BHYT và thụ hưởng các chế độ, chính sách BHYT.

Cần nâng cao chất lượng KCB BHYT (Ảnh: PV)

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể của tỉnh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHYTđối với sự phát triển và ổn định chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhận thức của xã hội ngày càng đầy đủ hơn về việc cấp phát, quản lý và sử dụng thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới tích cực, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, triển khai, thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả.

Để nhanh chóng đạt lộ trình BHYT toàn dân và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi và khuyến khích ngày càng nhiều người dân tham gia BHYT: Từ năm 2013, hỗ trợ thêm cho 100% người cận nghèo tham gia BHYT; từ năm 2015, quy định 4 đối tượng được hỗ trợ như sau: Người thứ nhất trong hộ gia đình và học sinh, sinh viên được hỗ trợ 20% mức đóng; Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% mức đóng; Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi được hưởng hỗ trợ 50% mức đóng. Với chính sách hỗ trợ của Vĩnh Phúc từ năm 2015; mỗi năm có khoảng 300.000 lượt người được hỗ trợ, tổng số tiền hỗ trợ của 4 năm qua là: 101,8 tỷ. Cụ thể: Năm 2015: có 26.376 người được hỗ trợ, số tiền là: 3,6 tỷ. Năm 2016: có 238.574 người được hỗ trợ, số tiền là: 27,3 tỷ. Năm 2017: có 318.045 người được hỗ trợ, số tiền là: 36,6 tỷ. Năm 2018: có 406.850 người được hỗ trợ, số tiền là: 34,3 tỷ.

Công tác quản lý nhà nước về BHYT và quản lý Quỹ BHYT được tăng cường triển khai. Việc kiện toàn, tổ chức bộ máy BHYT từng bước được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu phục vụ hơn 965.161 người tham gia BHYT trong toàn tỉnh, phù hợp việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay. Nhằm thực hiện tốt chế độ, chính sách về khám bệnh, chữa bệnh và KCB BHYT trên địa bàn tỉnh; các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chuyên môn đã làm tốt công tác phối hợp tham mưu với UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách thu hút các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh; đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo gói, kíp; phối hợp tốt trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở KCB BHYT nhằm đảm bảo thực hiện đúng các chế độ chính sách, pháp luật về KCB BHYT; thực hiện tốt quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật trong KCB; đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT đạt hiệu quả; phòng chống các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý BHYT được triển khai có hiệu quả; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, quản lý hồ sơ có nhiều kết quả tốt. Đã giảm được 87 thủ tục (từ 115 thủ tục giảm xuống còn 28 thủ tục); giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện; cắt giảm số ngày giải quyết của tất cả các thủ tục hành chính (cấp mới, cấp lại thẻ BHYT từ 10 ngày xuống còn 5 ngày).

Chất lượng KCB BHYT ngày càng được nâng lên; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng; chất lượng KCB, dịch vụ y tế được nâng cao; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế ngày càng tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các thủ tục hành chính trong KCB và thanh toán BHYT được đẩy mạnh; thực hiện giám định chi phí KCB BHYT thông qua phần mềm trên toàn bộ hệ thống, nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang xây dựng hoàn thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1000 GB, Bệnh viện Sản-Nhi 500 GB đạt tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại. Xây dựng hoàn chỉnh Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên giai đoạn II, đảm bảo cho Bệnh viện quy mô 500 GB giai đoạn 2016-2020. Xây dựng hoàn thành Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên 100 GB. Đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế. Thành lập Trung tâm Ung bướu tỉnh có giường bệnh (50 GB)... Việc thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế cũng đã được nâng lên, năm 2014 các đơn vị tuyến tỉnh chỉ thực hiện được khoảng 65% số kỹ thuật theo phân tuyến thì đến cuối năm 2017 đã thực hiện được 83% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và khoảng 30% các kỹ thuật của tuyến trên; năm 2014 các Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện được khoảng 50% kỹ thuật theo phân tuyến, cuối năm 2017 thực hiện được 64%. Do đó, số người tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT để KCB đã tăng lên đáng kể.

Với mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT đã tăng rất nhanh, năm 2009 chỉ có 556.679 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ bao phủ là 55,2% dân số thì đến 31/12/2018 tổng số người tham gia là 965.161 người, chiếm tỷ lệ 88,6% dân số và đến hết tháng 4/2019 tổng số người tham gia là 990.007 người, đạt 90% dân số. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW đã tăng được 433.328 người tham gia BHYT (tương đương với 34,8%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách BHYT chưa được thường xuyên. Chất lượng KCB ở một số cơ sở KCB trong tỉnh đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên tình trạng chuyển tuyến điều trị còn cao, nhất là chuyển tuyến Trung ương. Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật theo phân tuyến và các kỹ thuật chuyên sâu của tuyến trên tại một số cơ sở KCB còn hạn chế do thiếu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực; đặc biệt là ở những cơ sở đang hoạt động nhờ, dồn ghép trong khi chờ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong tương lai

BHYT dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên (ẢNh: PV)

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TW thời gian tới, theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tính ưu việt của BHYT, thúc đẩy người dân tự nguyện tham gia BHYT.

Hai là, tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về BHYT; đưa tiêu chí thực hiện BHYT toàn dân vào Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.

Ba là, hằng năm, xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BHYT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT theo hướng nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Bốn là, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác KCB BHYT. Đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT. Nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT; gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện tốt 12 điều y đức, quy tắc ứng xử của ngành Y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT đối với các doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở KCB BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

N.T.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực