Bước chuyển mình của thành phố Phúc Yên

Thứ ba, 24/12/2019 14:15
Phúc Yên là thành phố cửa ngõ, là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm kinh tế công nghiệp - dịch vụ của tỉnh. Được công nhận là đô thị loại III năm 2013, đến năm 2018, Phúc Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Nhờ những giải pháp đồng bộ và bước đi phù hợp, biết khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố trẻ đang chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, góp phần kết nối giao lưu phát triển kinh tế với vùng thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.

Niềm vui hoàn thành chương trình nông thôn mới

Đến Ngọc Thanh những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ những lợi ích chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến thành phố; 99% đường trục thôn, liên thôn đều đã được cứng hóa; 71,5% đường ngõ xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa và 64,3% đường trục chính nội đồng được xây dựng, góp phần hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông trên địa bàn thành phố, thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, buôn bán của nhân dân.

leftcenterrightdel
Thành phố Phúc Yên đang chuyển mình mạnh mẽ 

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Ngọc Thanh đã vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung của tỉnh cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính quyền xã tích cực vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tiếp nhận và nhân rộng một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động dịch vụ và công nghiệp. Công tác xúc tiến thương mại được quan tâm đã thúc đẩy phát triển thị trường, kích thích sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tác động rõ nét đến nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%.

Bên cạnh việc tổ chức, khuyến khích nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao, xã còn chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tư vấn, đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho người dân trên địa bàn thay đổi tư duy, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ nhằm phát huy lợi thế của xã có khu du lịch và các nhà máy, xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn lân cận để tạo việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động của xã đạt trên 99%.

Cũng theo ông Chung, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của thành phố, đến nay, Trung tâm văn hóa xã được xây mới với đầy đủ các hạng mục, 21 nhà văn hóa thôn được quy hoạch bảo đảm đạt chuẩn diện tích và có đủ các công trình, sân tập luyện thể thao đơn giản, nhà vệ sinh, hệ thống cây xanh và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân. 8 trường học ở cả 3 cấp Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn xã đều được đầu tư kiên cố đạt chuẩn quốc gia.

Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020, thành phố Phúc Yên có 4 xã tham gia chương trình gồm: Cao Minh, Nam Viêm, Tiền Châu và Ngọc Thanh. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần huy động toàn bộ các cấp, các ngành và nhân dân vào cuộc, tập trung các nguồn lực đầu tư, chỉ đạo triển khai, kiểm tra và đánh giá từng tiêu chí. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp thông qua việc ban hành các Nghị quyết, chương trình, đề án và hệ thống các văn bản thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, 41 nội dung theo quy định. Thành phố đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, sửa chữa cơ sở giáo dục…

Sau khi xã Tiền Châu và xã Nam Viêm được nâng cấp lên thành phường, thành phố Phúc Yên còn 2 xã là Cao Minh và Ngọc Thanh cần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, với tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên 407,2 tỷ đồng, cả 2 xã đã hoàn thành chương trình với 100% đường trục xã, đường từ trung tâm xã đến thành phố, 99% đường trục thôn, liên thôn theo tiêu chuẩn kỹ thuật; 100% kênh loại I, loại II và 96% kênh loại III đã được kiên cố; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41,3 triệu đồng/người/năm; 98% lao động trong độ tuổi ở 2 xã có việc làm thường xuyên.

Theo ông Tạ Xuân Vừng, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Phúc Yên, thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa. Trong đó, tập trung chỉ đạo 2 xã: Ngọc Thanh và Cao Minh xây dựng xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn, gắn sản xuất với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa, cải thiện môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%.

Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ

Ngay từ khi thành lập, Phúc Yên đã xác định rõ cơ cấu kinh tế tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, du lịch. Do vậy, những năm qua, hoạt động dịch vụ, du lịch luôn được địa phương chú trọng với việc phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, tạo mối liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nay, toàn thành phố có gần 100 khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch Đại Lải và các mô hình du lịch cộng đồng (homestay), du lịch với thiên nhiên như: Du lịch nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort, Đại Lải Paradise Resort, Đảo Ngọc Resort, sân gofl Ngọc Thanh… Các doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nên những biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng, hệ thống nhà hàng mang phong cách kiến trúc hiện đại, thiết kế mở, giao hòa với thiên nhiên cùng các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng, các dịch vụ cao cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tận dụng những ưu đãi mà thiên nhiên mang lại, phát huy lợi thế phát triển du lịch tại địa phương, gia đình bà Nguyễn Thị Linh, thôn Đại Lộc, xã Ngọc Thanh đã quyết định đầu tư xây dựng, hình thành nên khu du lịch cộng đồng (homestay) – Hidden Hill Resort. Năm 2017, gia đình bà đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng 3 villas, 3 bungalows và 1 monsoon - căn ngủ tập thể. Năm 2018, Hidden Hill đi vào hoạt động, ban đầu đã thu hút lượng khách đến nghỉ dưỡng và khách hàng hài lòng, đánh giá cao về chất lượng phòng, cơ sở vật chất, cảnh vật thiên nhiên nơi đây. Chỉ tính riêng năm 2019, Hidden Hill đã đón trên 1.000 lượt khách đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm chủ yếu vào các ngày cuối tuần và dịp hè.

Theo bà Linh, trước mắt, homestay của gia đình mới đi vào hoạt động, chưa tính đến doanh thu, tuy nhiên, đây là hoạt động kinh doanh mang tính dài hơi. Dự kiến thời gian tới, gia đình bà tiếp tục xây dựng thêm một khu nghỉ dưỡng rộng 0,5ha; phấn đấu sẽ hoàn thành 3 khu nghỉ dưỡng, tạo thành chuỗi nghỉ dưỡng của Hidden Hill Resort trên địa bàn xã Ngọc Thanh.

Với việc vận động, định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng du lịch, dịch vụ, tổng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ, lao động việc làm, tiền lương năm 2019 ước đạt trên 430,3 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thu nhập từ lĩnh vực này chiếm trên 74% tổng thu nhập toàn xã, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của UBND thành phố Phúc Yên, hoạt động dịch vụ, du lịch trong năm 2019 đã góp phần quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Tổng giá trị sản xuất các lĩnh vực dịch vụ năm 2019 ước đạt 5.100 tỷ đồng, tăng trên 11,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, năm 2019, các khu du lịch trên địa bàn đã đón nhận hơn 200.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.

Phúc Yên được xác định sẽ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng và khu vực lan tỏa của thủ đô Hà Nội; khu Đại Lải, Ngọc Thanh sẽ được xây dựng thành khu bảo tồn sinh thái của thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai. Để phát triển du lịch xứng với tiềm năng vốn có, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các cơ quan quản lý về du lịch của tỉnh hoàn thiện Quy hoạch chi tiết khu du lịch Đại Lải và Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Đại Lải, bảo đảm cho việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về du lịch và các hoạt động du lịch đạt hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hạ tầng du lịch; định hướng phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập; tập trung đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng hạ tầng các khu du lịch; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Phúc Yên gắn với du lịch Vĩnh Phúc.

Từ những bước đi đúng đắn, đến nay, kinh tế - xã hội của thành phố đã có những bước chuyển mạnh mẽ, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Công nghiệp xây dựng chiếm gần 94%; ngành Dịch vụ chiếm 5,4%; Nông, lâm, thủy sản chiếm 0,5% tổng giá trị sản xuất toàn địa bàn thành phố. Năm 2019, sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt trên 85.700 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách ước đạt 601 tỷ đồng. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đúng mức. Ước năm 2019, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 1,7 nghìn lao động; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 1%.

Thành phố trẻ Phúc Yên hôm nay đang tiếp tục chuyển mình, phấn đấu trở thành đô thị văn minh, hiện đại - một trong những trọng điểm về du lịch, dịch vụ, giáo dục - đào tạo của tỉnh. Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo, chỉnh trang đô thị; vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng môi trường văn hóa, lối sống lành mạnh. Đồng thời, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tương đương năm 2018, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả giai đoạn 2016-2020.

Hồng Yến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực