Hiệu quả bước đầu từ thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 26/12/2017 19:13
(ĐCSVN) – Thời gian qua, để giảm công lao động và tăng năng suất cây trồng, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Vĩnh Phúc tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh: P.V)

Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 1 lần mức 50% (không quá 75 triệu đồng) chi phí mua mới máy sản xuất nông nghiệp cho người sản xuất và giao Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai chương trình này. Chương trình đã hỗ trợ 215 máy lên luống, máy làm đất, máy vắt sữa bò, máy gặt đập liên hợp, máy thái cỏ, nghiền trộn thức ăn và máy cấy cho các hộ nông dân.

Hiệu quả của việc sử dụng các loại máy đã được kiểm nghiệm qua thực tế. Đơn cử như việc đưa máy vắt sữa bò vào hoạt động trên địa bàn. Máy không làm giảm sữa, không gây ô nhiễm vú bò, các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm, một người sử dụng máy có thể vắt được nhiều con trong cùng một lúc và rút ngắn được thời gian vắt sữa; 1 giờ vắt sữa bằng máy bằng 3 người vắt sữa thành thạo, hiệu quả kinh tế cao hơn so với vắt tay thủ công 68.900 đồng/giờ.

Hay như máy thái cỏ làm cho thức ăn được gọn, nhỏ, công suất bằng 6 người thái cỏ bằng tay, hiệu quả kinh tế cao hơn làm thủ công 121.900 đồng/giờ.

Rồi phải kể đến máy làm đất công dụng xới đất, lên luống, đánh cỏ, làm đất, phun thuốc trừ sâu, phân bón lá, rạch rãnh cho các loại cây trồng, hiệu quả hơn làm thủ công 2,5 triệu đồng/ha.

Còn phải đề cập đến máy cấy giúp cho quần thể cây lúa đều thẳng hàng, tiết kiệm được giống, đảm bảo mật độ theo ý muốn, hiệu quả kinh tế cao hơn cấy tay thủ công từ 2,7 đến 3,4 triệu đồng/ha.

Hay máy gặt đập liên hợp giúp giảm công lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn gặt bằng tay 4 triệu đồng/ha.

Từ những kết quả trên, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn khảo sát nhu cầu sử dụng máy nông nghiệp để làm cơ sở trình UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 720 máy làm đất, lên luống, máy gặt đập liên hợp, máy nghiền trộn thức ăn chăn nuôi, thái cỏ,  vắt sữa.

Có thể thấy, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giải bài toán về thiếu lao động, giảm chi phí trong sản xuất mà còn tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong tỉnh xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Tới đây, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bằng việc tiếp tục tăng cường đưa máy cày công suất lớn, máy gieo hạt, máy cấy, máy gặt đập liên hợp…

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực