Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Tập trung chỉ đạo quyết liệt cho công tác sản xuất nông nghiệp năm 2019

Thứ ba, 04/12/2018 10:31
(ĐCSVN) - Theo UBND huyện Lập Thạch, năm 2018, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi về thời tiết, khí hậu, cây trồng – vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt và được đánh giá là năm sản lượng các loại rau, củ, quả được mùa nhất so với nhiều năm trở lại đây.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy – UBND huyện và các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng…cùng với sự cố gắng nỗ lực của bà con nông dân cùng tham gia sản xuất, các cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất.

Trong đó, việc hỗ trợ mua giống lúa mới chất lượng cao vụ Xuân 2018; hỗ trợ mô hình trồng giống ngô biến đổi gen, hỗ trợ phát triển cây trồng vụ Đông và hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, thủy sản đã động viên bà con nông dân tham gia sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng được cải thiện, cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được đẩy mạnh ở tất cả các khâu: từ làm đất, thu hoạch, vận chuyển,… làm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức cho bà con nhân dân.

Trên lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng năm 2018 đạt  13.146,7ha/13.400ha, đạt 98,11% kế hoạch. Điểm nhấn là thực hiện chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ tại huyện Lập Thạch giai đoạn 2017-2020. Trong năm 2018, sản phẩm thanh long ruột đỏ bước đầu đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tiêu thụ từ sản xuất đến tiêu dùng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch và HTX Bình Minh xã Ngọc Mỹ ký hợp đồng tiêu thụ sản lượng theo hợp đồng từng đợt quả.

Đồng thời, đã có một số doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hoa quả tươi ở Hà Nội liên hệ tiêu thụ sản phẩm. UBND huyện chỉ đạo Hội sản xuất thanh long ruột đỏ huyện phối hợp với HTX Nông thôn mới Đại Phúc xúc tiến thương mại và xuất khẩu 20 tấn quả thanh long ruột đỏ sang thị trường Hồng Kong và 10 tấn quả thanh long ruột đỏ hữu cơ sang thị trường Úc. Đây là những bước đi đầu tiên để mở rộng sản xuất và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả sản phẩm thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch để cung cấp cho thị trường trong nước và ngoài nước đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Năm 2018, tình hình chăn nuôi phát triển tốt, số lượng đầu con trâu, bò, gia cầm và sản lượng thịt hơi xuất chuồng đều tăng so với cùng kỳ; không có dịch bệnh xảy ra. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng giảm so với cùng kỳ, thị trường tiêu dùng ổn định khiến người chăn nuôi yên tâm đầu tư, đặc biệt giá lợn hơi biến động giảm trong những tháng đầu năm nhưng đã tăng trở lại từ tháng 4 đến nay, người chăn nuôi có lãi.

Chăn nuôi thủy sản bước đầu được người dân quan tâm đầu tư thâm canh có hiệu quả với diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 792,5ha, trong đó có mô hình một vụ lúa, một vụ cá với diện tích 240,7ha ở các vùng trũng, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính và cá chép lai ba máu, mô hình cá chép lai ba máu và cá mè, mô hình nuôi cá chép lai ba máu đồng chiêm trũng,…đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt 1.502 tấn, tăng 20,2 tấn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, cũng theo UBND huyện Lập Thạch, công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quan tâm về phát triển nông nghiệp, chủ yếu quan tâm về phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên dẫn đến một số bộ phận người dân không nắm bắt được thông tin hoặc nắm bắt thông tin còn chậm, muộn về các cơ chế chính sách hỗ trợ.

Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, việc xây dựng, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa còn nhỏ, phân tán chưa đảm bảo về diện tích theo quy định hỗ trợ của tỉnh. Chưa xây dựng được nhiều sản phẩm thương hiệu nông nghiệp của huyện.

Về chăn nuôi, tiến độ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm còn chậm, các xã, thị trấn chưa tích cực vào cuộc, còn nhân dân do nhận thức hạn chế nên chủ quan xem nhẹ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Trong quá trình thực hiện Quyết định 07/2016/QĐ-UBND, còn gặp khó khăn như: nhu cầu về vốn cho phát triển chăn nuôi là rất lớn, nguồn vốn vay chưa tiếp cận được, quy mô hỗ trợ giống vật nuôi tập trung vào những hộ có quy mô tương đối lớn, lại tập trung vào những hộ có thu nhập khá trở lên, hộ nghèo, cận nghèo khó tiếp cận.

Về thủy sản, còn nhiều diện tích mặt nước chưa được nhân dân đầu tư thâm canh để phát huy hiệu quả, đặc biệt là vùng phía nam của huyện, cần phát huy hết lợi thế vùng nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới.

Theo UBND huyện Lập Thạch, về phương hướng chung trong năm 2019, mở rộng tối đa diện tích cây trồng của các vụ trong năm, hạn chế tình trạng để đất trống. Tăng cường sử dụng giống có chất lượng tốt, năng suất cao, giống chống chịu sâu bệnh, gắn liền với đầu tư thâm canh, đảm bảo khung thời vụ,…

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ. Mở rộng quy mô các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa để tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thông qua việc thực hiện tốt Nghị quyết số 201/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp.

Tuyên truyền sâu rộng chủ trương dồn thửa, đổi ruộng của tỉnh nhằm góp phần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch để giảm căng thẳng về lao động lúc thời vụ, hạ giá thành sản phẩm.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuê ruộng, gom ruộng để sản xuất tập trung nhằm tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, sức cạnh tranh cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, dần hình thành nhiều mô hình “sản xuất theo chuỗi giá trị” trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền, mở rộng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được đánh giá có hiệu quả vào sản xuất như: quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ,…nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái do lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa của huyện, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt trên địa bàn. Từng bước đăng ký thương hiệu cho một số sản phẩm hàng hóa của huyện. Chủ động có các phương án phòng chống thiên tai, dịch hại. Sử dụng nguồn nước tưới hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Trước tình hình đó, các cấp, các ngành, các phòng, ban chuyên môn cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác sản xuất năm 2019, nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, kịp thời động viên nhân dân tích cực hăng hái tham gia sản xuất để năm 2019, sản xuất nông nghiệp giành được thắng lợi./.

TK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực