Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả tích cực trong triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ năm, 21/12/2017 16:47
(ĐCSVN) - Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà có nhiều bước phát triển mới.

Ngày 10/11/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 3216/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Đề án đặt ra mục tiêu tập trung các giải pháp nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP của Nông lâm thủy sản đạt mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và từng bước giải quyết các hạn chế, yếu kém của sản xuất nông nghiệp như: manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sản lượng hàng hóa lớn, thương hiệu trên thị trường; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Đề án chỉ rõ những khó khăn cụ thể của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc. Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sản lượng hàng hóa lớn, thương hiệu trên thị trường; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thấp. Áp dụng các quy trình thực hành sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít. Áp dụng VietGAP mới chủ yếu ở rau (mặc dù diện tích ít). Trong chăn nuôi có rất ít cơ sở áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP).

Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; sản xuất nông nghiệp còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu, chưa đồng bộ (tiêu úng cho lúa, thủy sản, đường giao thông khai thác rừng sản xuất...). Nông dân chưa chuyên nghiệp hóa; mức độ cơ giới hóa còn thấp. Đồng thời công nghiệp chế biến nông sản kém phát triển. Thiếu liên kết hộ dân trong các Tổ hợp tác và Hợp tác xã; thiếu liên kết theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Chính sách thu hút, xây dựng dự án thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa được chú trọng. Chưa tập trung đầu tư, khai thác mạng lưới thương lái có “tinh thần doanh nghiệp” để phát triển thương mại và chế biến nông sản, để xây dựng tỉnh thành trung tâm dịch vụ, thương mại nông sản của vùng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: BT)

Dù vậy, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên lĩnh vực trồng trọt, đối với hỗ trợ giống lúa chất lượng, đây được coi là bước đột phá trong cơ cấu giống lúa của tỉnh. Các giống lúa như: Thiên ưu 8, HT1, RVT,... với nhiều ưu điểm sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng gạo ngon, cho năng suất cao đang dần thay thế cho những giống lúa truyền thống: KD18, Q5,...

Riêng vụ Đông Xuân 2016-2017, đã hỗ trợ 479,61 tấn, diện tích gieo trồng 9.592,28 ha. Đẩy mạnh tiến bộ khoa học về giống cây trồng cùng với những giải pháp về cơ chế chính sách để khuyến khích mở rộng gieo cấy các giống lúa chất lượng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và phát triển bền vững.

Những năm gần đây, Vĩnh phúc được đánh giá là một trong những tỉnh có bước tiến nổi bật trong chăn nuôi. Để đáp ứng về số lượng, chất lượng cũng như điều kiện môi trường đòi hỏi càng cao, Vĩnh Phúc đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để đưa chăn nuôi thành ngành hàng chủ lực. Trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác nâng cao phẩm chất giống, xử lý chất thải chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Tính tới thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã hỗ trợ giống lợn nái ngoại hậu bị cấp bố mẹ được 708 con; bình tuyển bò cái nền 2.358 con; bình tuyển lợn đực giống 189 con; bình tuyển bò đực giống 91 con; thay thế bò đực giống 3 con và các huyện, thành, thị đang tiếp tục thực hiện.

Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển thụ tinh nhân tạo bò thịt, bò sữa chất lượng cao tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ tinh dịch lợn ngoại đạt được nhiều kết quả. Đang triển khai thi công xây dựng 1 dự án chăn nuôi lợn tập trung tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Ước hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng 4.526 công trình xử lý chất thải chăn nuôi gồm: 3.050 hầm Biogas, 26 bể lọc, sục khí và 1.450 đệm lót sinh học chăn nuôi gà. Các công trình xử lý chất thải chăn nuôi có hiệu quả bền vững, có sự lan toả trong sản xuất và góp phần rất lớn trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường chăn nuôi đang là vấn đề bức xúc hiện nay.

Cùng với đó, ngành hàng rau quả của Vĩnh Phúc có cơ hội và tiềm năng phát triển thành ngành hàng chủ lực bởi các lợi thế về năng suất, khí hậu, đất đai, hệ thống giao thông và đặc biệt là hệ thống phân phối. Chính vì vậy, Vĩnh Phúc xác định phát triển ngành hàng rau quả trở thành ngành hàng quan trọng của tỉnh theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP ước thực hiện được 1.098,5 ha; hỗ trợ sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP được 100 ha.

Ảnh minh họa. (Ảnh: VP)

Về  thủy sản, thực hiện hỗ trợ mô hình nuôi cá giống mới (cá rô phi đơn tính, cá chép lai 2 máu, cá chép lai 3 máu và cá mè trắng) được 118 ha; hỗ trợ 115 máy tạo ôxy cho các hộ nuôi cá thâm canh, trong đó: 53 máy quạt nước 6 cánh, 60 máy 3 quả phao và 2 máy sục khí tạo ôxy. Qua kiểm tra cho thấy, cá giống mới sinh trưởng phát triển tốt; máy tạo ôxy đều vận hành và hoạt động tốt, hạn chế được tình trạng cá nổi đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho cá sinh trưởng phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nuôi.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp đáp ứng nhu cầu rất lớn cho người sản xuất nhất là đối với các loại máy phục vụ sản xuất trồng trọt. Năm 2017, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 730 máy sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp, trong đó có: 11 máy vắt sữa bò; 1 máy thái cỏ; 15 máy nghiền trộn thức ăn cho gà, lợn; 2 máy làm đất công suất trên 35 mã lực; 397 máy làm đất công suất dưới 35 mã lực; 4 máy cấy 6 hàng; 287 máy lên luống; 13 máy gặt đập liên hợp.

Với những kết quả thiết thực trên đang từng bước góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị cho các mặt hàng nông sản./.

KN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực