Vĩnh phúc: Sản xuất công nghiệp nhiều tín hiệu khả quan

Thứ tư, 13/12/2017 16:31

(ĐCSVN) – Từ đầu năm 2017 đến nay, Vĩnh Phúc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ khu công nghiệp. 

Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Vĩnh Phúc, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 11/2017  tăng 2,51% so với tháng trước và tăng 12,77% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,71% và tăng 11,55%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,50% và tăng 12,88%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 0,91% và tăng 18,12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,83% và giảm 11,83%.

Tính chung 11 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,10% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp II, mười một tháng đầu năm nay có 04 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước là: ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 2,25%, ngành dệt giảm 9,54%, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 19,16%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,77%. Các ngành công nghiệp chủ yếu còn lại đều có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tiếp tục có chỉ số tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng của ngành cũng như tăng trưởng chung của tỉnh. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử tăng 62,58%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,14%; ngành sản xuất xe máy tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2016...

Dự kiến tháng 11, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 19.012 tấn thức ăn gia súc, tăng 3,73%; 437 ngàn đôi giày thể thao, tăng 0,60%; 11.039 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 0,10%; 623 máy điều hòa không khí, giảm 14,07%; 4.265 xe ô tô các loại, tăng 3,77%; 205.116 xe máy các loại, tăng 1,82%; 407 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 0,91%; 1.737 ngàn m¬3 nước máy thương phẩm, giảm 2,31% so với tháng trước; ...

Tính chung 11 tháng, các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất được 196.479 tấn thức ăn gia súc, giảm 2,25%; 4.730 ngàn đôi giày dép các loại, tăng 1,98%; 114.092 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 6,17%; 16.172 máy điều hoà không khí, giảm 1,24%; 46.120 xe ô tô các loại, giảm 19,16%; 1.832.315 xe máy các loại, tăng 6,31%; 4.150 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 15,40%; 17.931 ngàn m¬3 nước máy thương phẩm, tăng 9,25%; ...

Đáng chú ý, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng 11 t tăng 1,08% so với tháng trước. Tính chung 11  tháng năm 2017, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 14,08% so với cùng kỳ. Chia theo ngành công nghiệp cấp I, chỉ số sử dụng lao động mười một tháng đầu năm của ngành khai khoáng giảm 4,05% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,02%; ngành chế biến chế tạo tăng 14,46%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,01% so với cùng kỳ. Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước tăng 0,71%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 29,80%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,28 so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11 tăng 6,78% so với tháng trước. Theo ngành công nghiệp cấp 2, trong tháng có 5 ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm so với tháng trước là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 19,62%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 6,76%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 5,73%, sản xuất thiết bị điện giảm 6,07% và ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa phân vào đâu giảm 19,55%. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn lại đều có chỉ số tiêu thụ tăng so với tháng trước.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11 tăng 5,93% so với tháng trước. Ngành chế biến thực phẩm tiếp tục có chỉ số hàng tồn kho tăng cao với 45,46% so với tháng trước, chủ yếu do sản phẩm thức ăn gia súc tiêu thụ chậm; ngành sản xuất xe có động cơ tuy chỉ số tiêu thụ tăng 3,96% so với tháng trước nhưng chỉ số hàng tồn kho tăng tới 14,42% do tâm lý của người tiêu dùng đang mong đợi vào giá xe sẽ giảm vào đầu năm 2018 nên sức mua chậm; ngành sản xuất xe máy mấy tháng gần đây có nhiều khởi sắc, sản phẩm liên tục tăng so với tháng trước và cùng kỳ, chỉ số tiêu thụ tăng, trong khi chỉ số hàng tồn kho giảm, tháng Mười một giảm gần 4% so với tháng trước...

Được biết, thời gian tới, Vĩnh Phúc triển khai xây dựng hạ tầng và san nền khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng khu công nghiệp Sông Lô I để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời, điều chỉnh quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Phúc Yên.  

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực