Vĩnh Phúc: Tích cực nâng cao chất lượng công tác phòng cháy, chữa cháy

Thứ ba, 09/10/2018 15:13
(ĐCSVN) - Nhằm hưởng ứng ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4/10), tháng an toàn phòng cháy chữa cháy (10/2018), đồng thời nâng cao chất lượng công tác phòng cháy chữa cháy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị, Sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm.

Diễn tập công tác cứu người bị nạn khi xảy ra sự cố cháy (Ảnh: PC)

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo; các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện. Đồng thời, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và nhân dân được nâng lên, góp phần kiềm chế số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an tỉnh, tình hình cháy, nổ có nơi, có lúc diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản. Thống kê trong 10 tháng năm 2018 cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ cháy, làm 1 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 100 tỷ đồng và 7 ha rừng.

Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế cháy, nổ xảy ra, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, đồng thời thiết thực hưởng ứng Ngày Toàn dân PCCC (ngày 4/10), Tháng an toàn PCCC (tháng 10/2018), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc và hệ thống cơ quan truyền thông của các đơn vị, địa phương phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ sở, các cá nhân, chủ hộ gia đình trong việc thực hiện công tác PCCC. Viết, đăng tải tin, bài, xây dựng phóng sự phản ánh thực trạng về công tác PCCC, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC, phản ánh những yếu kém chưa được quan tâm, khắc phục là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ.

Bên cạnh đó, công an tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác PCCC đối với các cơ sở trọng điểm, cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao như: Chợ, Trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, khu dân cư tập trung đông người, các khu rừng trọng điểm, kho vật liệu nổ công nghiệp, các cơ sở sử dụng hóa chất trong hoạt động sản xuất kinh doanh...Đồng thời, phát hiện, đôn đốc chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về PCCC, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, cố tình vi phạm theo đúng quy định.

Cùng với đó, tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC ở các đơn vị, cơ sở trọng điểm về PCCC, các hộ kinh doanh ở chợ, các hộ kết hợp nhà ở với kinh doanh; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị rà soát, củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ; phấn đấu trong Ngày toàn dân PCCC, Tháng an toàn PCCC không để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Mặt khác, lực lượng công an tỉnh phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC (ngày 4/10), Tháng an toàn về PCCC (tháng 10/2018). Hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC và Tháng an toàn về PCCC phù hợp điều kiện, tính chất hoạt động, quy mô của cơ quan, doanh nghiệp; treo pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC. Tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, nhất là tại các Chợ, Trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nơi tập trung đông người, khu công nghiệp và làng nghề có nguy cơ cao về cháy, nổ...

Với UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC nhân Ngày toàn dân PCCC, Tháng an toàn về PCCC, tổ chức các hoạt động thiết thực, như: Tuyên truyền trực quan, lưu động về phòng cháy chữa cháy ở những nơi đông người và trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; treo pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC ở nơi công cộng và cổng các cơ quan, đơn vị. Xây dựng phương án chữa cháy và huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ theo quy định.

Đặc biệt, mỗi huyện, thành phố tổ chức thực tập ít nhất 1 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, tập trung vào các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nơi tập trung đông người, khu công nghiệp và làng nghề.

Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCCC; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và thường xuyên duy trì tốt các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và khắc phục ngay những sơ hở, tồn tại, thiếu sót, vi phạm các quy định về PCCC. Thực hiện tốt việc đảm bảo nguyên tắc “Bốn tại chỗ” trong công tác PCCC (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần) nhằm giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Thực hiện các biện pháp ngăn cháy, chống cháy lan như: Bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật tư bảo đảm khoảng cách an toàn, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; kiểm tra rà soát trang bị, phương tiện PCCC tại chỗ, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động.

Ngoài ra, rà soát, củng cố, xây dựng, quản lý và duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở; tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho đội PCCC cơ sở nắm vững kiến thức và thực hành nghiệp vụ về PCCC, chủ động trong công tác chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC, Tháng an toàn về PCCC với hình thức phù hợp như: Mít tinh, tổ chức hội thi, hội thao, treo pano, khẩu hiệu,…đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào toàn dân tham gia PCCC./.

NT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực