Giao thông nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng hiện đại

Thứ ba, 24/12/2019 14:06
Để “kích cầu”, thúc đẩy phong trào xây dựng giao thông nông thôn ở các địa phương phát triển, những năm qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2017-2020.

Với mức hỗ trợ cụ thể là 40% đối với xã đồng bằng, 50% đối với xã trung du, 60% đối với xã miền núi và 100% đối với 17 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, đến nay, sau 3 năm Nghị quyết này đi vào cuộc sống, Vĩnh Phúc không những có 100% xã đạt tiêu chí giao thông mà nhờ hệ thống giao thông phát triển, việc đi lại, giao thương kinh tế của người dân khu vực nông thôn ngày càng thuận tiện.

leftcenterrightdel
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn ngày càng khang trang

Là huyện miền núi, thuần nông lại được thành lập sau cùng nên khi mới được thành lập, Sông Lô mới có trên 11% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, còn lại là đường đất. Xác định phát triển hạ tầng giao thông là khâu đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển, thu hút đầu tư nên ngay sau khi được thành lập, Sông Lô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, Sông Lô đã tạo được các phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới, trong đó phải kể đến tiêu chí giao thông. Được biết, ngoài số tiền hỗ trợ  theo Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh, người dân Sông Lô còn tự nguyện đóng góp hàng nghìn mét vuông đất và hàng chục tỷ đồng cho xây dựng đường giao thông. 

Theo báo cáo của UBND huyện Sông Lô, đến nay, sau 11 năm thành lập, Sông Lô có 100% xã đạt nông thôn mới; 100% đường huyện được bê tông; 222/236km đường trục xã, 184/223km đường trục thôn, 162/219km đường ngõ xóm và 79/130km đường ngõ xóm được bê tông hóa.

Không chỉ có Sông Lô, từ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời theo đúng cơ chế Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh, hệ thống giao thông nông thôn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phát triển. Đặc biệt, nhờ có cơ chế hỗ trợ này, các xã khó khăn có điều kiện đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, thực hiện Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ kịp thời hàng trăm tỷ đồng cho các địa phương xây dựng hệ thống giao thông. Trong đó, năm 2017, hỗ trợ trên 400 tỷ đồng cho các điạ phương xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 250km đường giao thông nông thôn. Năm 2018 và 2019 tiếp tục hỗ trợ theo đúng cơ chế để tập trung cứng hóa hệ thống đường trục xã, đường trục thôn, xóm và đường trục chính cho các địa phương, nhất là các xã khó khăn.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, đến nay, toàn tỉnh có 112/112 xã hoàn thành tiêu chí giao thông, 3.820km/4.200km đường giao thông nông thôn được cứng hóa. Giao thông phát triển đã mở lối, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển, giúp Vĩnh Phúc hết năm 2019 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục hoàn thiện, nấp cấp hệ thống giao thông, thời gian tới, Ban chỉ đạo chương trình giao thông nông thôn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 25 và Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh; tăng cường công tác phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia đóng góp của người dân để duy tu, sửa chữa các tuyến đường thôn, xóm trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai minh bạch các nguồn vốn.

Thanh Nga/Trang thông tin điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực