Vĩnh Phúc: Chủ động phòng chống sinh vật gây hại đối với sản xuất vụ Đông Xuân

Thứ tư, 20/11/2019 16:52
(ĐCSVN) - Để chủ động phòng chống sinh vật gây hại đối với sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Vĩnh Phúc đề nghị tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, hệ thống canh tác lúa cải tiến và áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất rau màu, cây ăn quả.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Phúc, hiện tượng ENSO hiện đang ở trạng thái trung tính. Dự báo trạng thái trung tính sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nhưng nghiêng về pha nóng.

Về rét đậm – rét hại, toàn mùa có khả năng xuất hiện khoảng 15-17 đợt không khí lạnh và các đợt tăng cường, gây ra 3-5 đợt rét đậm, rét hại tập trung vào tháng 1 và tháng 2/2020. Phần lớn các đợt chỉ kéo dài từ 2-4 ngày, nhưng cũng cần đề phòng có đợt kéo dài hơn. Đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 12/2019. Tổng lượng mưa cả vụ xấp xỉ trên trung bình nhiều năm, tháng 11/2019 và tháng 1-2/2020 ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tháng 12/2019 và tháng 3-4/2020 cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%.

Như vậy, thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 diễn biến rất phức tạp và khó lường, do đó, một số đối tượng sinh vật hại chính dễ phát sinh gây hại, nhất là bệnh: đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ,…trên lúa.

Để chủ động phòng chống sinh vật gây hại đối với sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Vĩnh Phúc đề nghị cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện gieo trồng đúng cơ cấu cây trồng, giống, thời vụ theo đúng hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bên cần đó, cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, hệ thống canh tác lúa cải tiến và áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất rau màu, cây ăn quả. Thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo chính xác về thời gian phát sinh, quy mô và mức độ gây hại của từng đối tượng sinh vật hại chính trong vụ, nhất là cao điểm sâu, bệnh trong tháng 4,5. Kịp thời thông báo, tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng chống kịp thời có hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất.

Củng cố và tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật cho cán bộ nông nghiệp cấp xã. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý tốt việc lưu thông, buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực