Tết Trung thu yêu thương nơi vùng cao Tây Bắc

Thứ năm, 20/09/2018 22:37
(ĐCSVN) - Năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết Trung thu, các thầy cô giáo ở các trường mầm non, tiểu học, THCS nơi vùng cao Tây Bắc ngoài công việc chuyên môn lại tấp nập chuẩn bị tổ chức tết Trung thu cho học trò. Còn các em học sinh thì náo nức mong đợi một đêm hội Trung thu như miền cổ tích mà mỗi năm chỉ có một lần.
Thầy cô giáo Trường Tiểu học xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên – Lào Cai) chuẩn bị tết Trung thu cho học sinh.
 Ảnh: Thế Lượng

Đến vùng cao Tây Bắc những ngày này, ai ai cũng có thể cảm nhận được không khí, sắc màu tết Trung thu đã về trên các ngõ nhỏ, các bản làng, hòa quyện vào hương cốm mùa thu và tiếng reo vui của con trẻ cắp sách đến trường. Tại các tỉnh vùng cao như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La…hầu như năm nào cũng vậy, càng ở các điểm trường, các trường vùng sâu, vùng xa thì các thầy cô cùng các đoàn thể địa phương càng cố gắng tổ chức tết Trung thu cho các cháu, với mong muốn, học trò nơi đây sẽ được hòa mình vào miền cổ tích nơi vùng cao.

Thầy cô chăm lo tết trung thu cho học trò

Trao đổi với chúng tôi trong thời điểm cận tết Trung thu, thầy giáo Trương Quang Định, giáo viên đang giảng dạy tiểu học tại thôn Mo Nhang, thị trấn Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết: Đến thời điểm này công tác tổ chức đêm rằm Trung thu cho các cháu đã sẵn sàng. Để làm được như vậy, ngay từ đầu tháng 9, chúng tôi đã cùng giáo viên các điểm trường và đoàn thể thanh niên địa phương tập trung lên chương trình và thực hiện từng khâu cụ thể theo kế hoạch…

Theo thầy Định, để tổ chức được một tết Trung thu vui vẻ và ý nghĩa thì công tác chuẩn bị của các nhà trường ở vùng cao năm nào cũng được bắt đầu từ rất sớm. Trực tiếp chuẩn bị là các thầy cô giáo, tổng phụ trách Đội, bí thư Đoàn trường cùng tập thể các nhà trường cùng nhau chuẩn bị những nội dung cho tết Trung thu. Thông thường, việc đầu tiên, các thầy cô ở các nhà trường sẽ hướng dẫn học sinh làm một chiếc đèn ông sao thật to để rước đèn. Đồng thời, hướng dẫn từng em tự làm cho mình một chiếc đèn ông sao nhỏ để cầm đi trong đêm hội. Ngoài giờ học, thầy và trò cùng nhau chẻ tre rồi tự tay làm những chiếc đèn ông sao đơn sơ mà xinh xắn. Phía bên ngoài sẽ được bọc dán bằng giấy màu trắng để khi đi rước đèn, sẽ thắp những ngọn nến trong đó để tạo nên sự lung linh huyền ảo cho đêm hội.

“Nơi đây, nhiều trường học, nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt, học sinh nơi đây ngoài các hoạt động các thầy cô tổ chức tại nhà trường thì ít khi có dịp các em được đi chơi tập trung hay được tổ chức liên hoan. Tết Trung thu chính là dịp để các em sum vầy, cùng nhau vui đùa, chơi trò chơi và phá cỗ liên hoan dưới ánh trăng rằm…” – Thầy Định cho biết thêm.

Tại trường Tiểu học xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên – Lào Cai), thầy giáo Đàm Văn Hưng, Tổng phụ trách Đội trường chia sẻ, năm nào cũng vậy, trước khi tổ chức tết Trung thu, thầy cô đều hướng dẫn học sinh tự mình làm đèn ông sao chứ không đi mua sẵn. Tự làm, vừa rèn cho các em ý thức tự lập, vừa làm cho các em thêm yêu những giá trị truyền thống. Còn tại trường PTDT Nội trú Bảo Yên (Lào Cai), chiếc đèn ông sao luôn được học sinh nhà trường làm và đồng loạt rước vào đêm hội khiến cho không gian đêm rằm trở nên lung linh hơn. Ngoài việc chuẩn bị đèn ông sao thì các nhà trường còn chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian để biểu diễn trong đêm Trung thu.

Có được những chiếc bánh Trung thu, mâm ngũ quả và bánh kẹo cho học trò là cả một vấn đề khó khăn đối với vùng sâu, vùng xa. Nhưng không vì thế mà các thầy cô ở vùng cao không tổ chức được một đêm Trung thu sum vầy cho học trò. Để có được kinh phí tổ chức tết Trung thu cho học sinh, các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc đã tổ chức quyên góp từ cá nhân thầy cô giáo, các đoàn thể địa phương và các tổ chức xã hội, từ thiện. Chính sự chung tay ấy đã làm nên những tình cảm nồng ấm cho đêm Trung thu ở các nhà trường. 

Thanh niên tình nguyện làm đèn ông sao tặng trẻ em nghèo tại xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu.
Ảnh: Thế Lượng

Tại xã Kan Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu), nơi đây vốn là địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng từ nhiều năm nay, cứ đến dịp tết trung thu, không quản ngại những con đường dốc núi uốn lượn gập ghềnh, không sợ gian nan và mệt mỏi, những chàng trai, cô gái của các nhóm thiện nguyện được lập nên với sự tham gia tự nguyện của đông đảo thành phần nghề nghiệp, lứa tuổi ở địa phương. Người làm giáo viên, người là cán bộ huyện, bác sĩ, kinh doanh… với trái tim thiện nguyện đã mang tình yêu thương đến với học trò nghèo khó ở những điểm trường nơi thâm sơn cùng cốc của những bản làng vùng cao. Các anh chị đã đi vận động từng cơ quan, đoàn thể, cá nhân trên địa bàn huyện rồi khi có một khoản kinh phí kha khá, nhóm đã chọn một điểm trường ở một xã khó khăn để phối hợp với các nhà trường, thầy cô giáo, chính quyền địa phương nơi đó tổ chức tết trung thu cho trẻ em. Hoạt động này đã được các nhóm từ thiện tổ chức nhiều năm nay và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Tại địa phương, đã có hàng trăm suất quà được trao tặng cho học sinh nghèo vươn lên trong học tập vào dịp tết Trung thu năm nay…

Niềm vui tuổi thơ vùng cao

Do đặc thù ở vùng cao, ở những điểm trường vùng sâu, do điều kiện đường xá còn gập ghềnh, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên hàng năm, các tổ chức đoàn thể cùng với thầy cô giáo thường tổ chức tết trung thu sớm cho học trò. Không đợi đến khi trăng tròn mọc lên, ngay từ buổi chiều ngày Trung thu, nhiều điểm trường đã diễn ra lễ rước đèn ông sao, vui chơi văn nghệ, phá cỗ. Được cùng nhau đi rước đèn qua những đoạn đường tuy còn lầy lội do mưa nhưng em nào cũng vui tươi và tràn ngập niềm hạnh phúc như được sống trong miền cổ tích của tuổi thơ và tình yêu thương mà các thầy cô giáo vùng cao dành cho.

Tổ chức rước đèn trung thu sớm cho trẻ em tại thôn Mo Nhang, thị trấn Trạm Tấu (Yên Bái).
 Ảnh: Kim Chiến 

Tại xã vùng cao Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La - nơi sinh sống từ bao đời nay của nhiều thành phần dân tộc như Phù Lá, Tày, Dao, Mông. Trước ngày diễn ra đêm rằm Trung thu, các thầy cô giáo của các nhà trường tiểu học Mường bang đã đi vận động, quyên góp các tổ chức đoàn thể trong và ngoài xã để có được nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức trung thu cho các cháu. Chính vì vậy, những này này, ngoài không khí náo nức bước vào năm học mới, thiếu niên nhi đồng các nhà trường đã rất háo hức chào đón một đêm hội trung thu ấm áp trong vòng tay của cha mẹ và thầy cô.

Nếu không đến nơi này, thì chúng tôi đâu biết, tại các điểm trường trong các bản, các thầy cô giáo đang tranh thủ thời gian ngoài giờ học để tự tay mình làm cho học trò nhỏ những chiếc đèn ông sao. Và trong tâm hồn những đứa trẻ người dân tộc tóc vàng hoe đang háo hức lắm tết Trung thu. Tết Trung thu ở vùng sơn cước này bỗng trở nên rộn rã tiếng cười nói hòa lẫn trong tiếng gió vi vu trên những nẻo đồi. Có những đôi mắt tròn xoe của những học sinh người H. Mông, Tày, Phù Lá lần đầu có chung một niềm vui Tết Trung thu cùng với bạn bè.

Vào đêm chính hội, những ngả đường vào các bản của vùng cao Tây Bắc rực rỡ sắc màu. Ánh sáng từ những ngọn đuốc nhỏ, những chiếc đèn ông sao đơn sơ mà rực sáng đã làm cho không gian trở nên sôi động và lung linh. Từng trường học sau khi tập trung đội hình đã tổ chức cho học sinh đi rước đèn. Mâm hũ quả cùng ảnh Bác Hồ được rước đi đầu tiên cùng cờ Đội và đội trống hành tiến dẫn đầu và theo sau là đoàn thiếu nhi của các lớp đi khắp các ngả đường trong bản để rước đèn ông sao. Tiếng trống vang lừng khắp bản xen lẫn tiếng nói, tiếng cười thơ ngây trong trẻo làm cho ai ai cũng như được sống lại trong một bầu tuổi thơ êm đềm.

Và trong những đêm rằm đẹp như cổ tích ấy, những đứa trẻ vẫn nhìn lên trời lòng thầm cầu mong ngày rằm phá cỗ, tất cả trẻ em trên đất nước mình đều có tết Trung thu, bởi sinh ra ở vùng khó khăn chúng luôn biết rằng đâu đó ở các vùng heo hút vẫn còn có những đứa trẻ nghèo khó, khi nghĩ về niềm vui tết Trung thu như một điều gì đó còn xa xỉ lắm…(!) 

Kim Chiến - Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực