1.300 tỷ đồng để xuất khẩu lao động có trình độ lấy từ đâu?

Thứ tư, 05/07/2017 09:58
(ĐCSVN) – Kinh phí dự kiến 1.300 tỷ đồng để đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc nước ngoài không phải lấy hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà còn là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, kinh phí phát triển thị trường từ Quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước...

Không có đề án “xuất khẩu” cử nhân, thạc sĩ

Xuất khẩu lao động 3 năm liên tiếp vượt mức 100.000 người/năm

Ảnh minh họa (Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước)

Không hoàn toàn từ ngân sách nhà nước

Dự thảo đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa 57.000 lao động qua đào tạo đi xuất khẩu lao động đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Trao đổi nhiều vấn đề xung quanh đề án này, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh lại, tên dự thảo Đề án là: “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay tới năm 2020 và định hướng tới năm 2025”. Điều này có nghĩa là nhiều cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ đi làm việc ở nước ngoài sẽ được mở ra, chứ không đơn thuần là hướng tới cử nhân hay kỹ sư thất nghiệp. Căn cứ của Đề án dựa trên sự hợp tác có sẵn, phía Việt Nam sẽ xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp.

Theo ông Tống Hải Nam, có 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng bao gồm: Các doanh nghiệp tham gia đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; Những trường nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo những ngành cung cấp được tham gia đề án có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi và nhập các mô đun đào tạo nghề phù hợp; Người lao động tham gia chương trình.

Ông Tống Hải Nam cũng cho biết, dự thảo xây dựng chương trình theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm tới năm 2020, dự kiến đưa khoảng hơn 17.000 lao động qua đào tạo đi làm việc ở một số thị trường lao động có mức thu nhập và công nghệ tiên tiến. Sang giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025, dự kiến tổng số lao động được đưa là hơn 39.000 người.

Đề cập đến kinh phí thực hiện Đề án, ông Nam cho biết tổng kinh phí của 2 giai đoạn là 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Nguồn kinh phí này không phải hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà còn là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, kinh phí phát triển thị trường từ Quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước…Trong phương án này, ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách và cơ chế, còn việc người lao động tham gia xuất khẩu lao động sẽ vay từ nguồn của Ngân hàng phát triển Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp và trường nghề muốn đầu tư cơ sở vật chất để tham gia Đề án cũng sẽ vay từ nguồn này chứ không lấy từ nguồn kinh phí Nhà nước...”.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Trao đổi về những khó khăn khi triển khai đề án, ông Tống Hải Nam cho biết, trước hết sẽ phải đàm phán cụ thể với từng quốc gia tiếp nhận lao động. Ông Nam nói: “Theo thông tin của các cơ quan đại diện và ban quản lý lao động, nhiều nước đang thực sự cần tiếp nhận lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, chính sách của họ “mở cửa” thế nào và tới đâu sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán”.

Mặt khác, theo ông, công tác đào tạo dạy nghề cũng cần có sự điều chỉnh cho tương xứng. Đặc biệt, một số nghề có thể chưa phù hợp với chuẩn nghề quốc tế vì vậy cũng sẽ đàm phán để có sự công nhận bằng cấp và có thể phải tiếp nhận cả những mô đun, nội dung đào tạo của họ về để giảng dạy cho phù hợp.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh, việc rà soát đánh giá lại nguồn lao động trong nước rất quan trọng. “Chúng ta cần tìm hiểu xem thực tế thông tin hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp thuộc nhóm ngành nghề đào tạo nào? Có phù hợp với nhu cầu của đối tác hay không? Nhu cầu cần lao động ngành kỹ thuật nhưng nếu là ứng viên lại thuộc ngành xã hội thì làm thế nào?” – ông Nam nói.

Được biết, về cơ bản, dự thảo đã được các bộ, ngành liên quan cho ý kiến. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tập hợp các ý kiến và dự kiến sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trong tháng 7./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực