Ðác Lắc giúp dân thoát nghèo

Thứ năm, 04/03/2010 11:08

 
Bà con dân tộc thiểu số ở Đác Lắc  trao đổi kinh nghiệm trồng cà-phê để có năng suất cao. 
Trong ba năm 2006 - 2009, tỉnh Ðác Lắc đã giảm được hơn 34 nghìn hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm hơn 11 nghìn hộ, tương đương 4,07%/năm. Các cấp, các ngành ở Ðác Lắc đã có nhiều việc làm cụ thể giúp dân và tự mỗi gia đình đã vươn lên làm giàu và giúp các hộ trong làng, bản cùng thoát nghèo.

Tình trạng đói nghèo ở Ðác Lắc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như: thiếu đất sản xuất, vốn, lao động, đông con... Tùy theo từng hoàn cảnh, từng điều kiện cụ thể, trong những năm qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, hỗ trợ y tế, giáo dục... giúp người nghèo vươn lên.

Trong ba năm 2006 - 2009, toàn tỉnh đã giải quyết cho 86.449 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền gần 670 tỷ đồng; cho 30 nghìn học sinh, sinh viên khó khăn vay hơn 345 tỷ đồng, cho 19 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay hơn 259 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là mức cho vay hộ nghèo đã được điều chỉnh tăng từ 5,46 triệu đồng/hộ lên hơn 9 triệu đồng/hộ. Tại thôn Tân Phú, xã Ea Drơng (huyện Chư M'gar) anh Hồ Minh Triệu cho biết, năm 2006, được vay năm triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh bàn bạc với vợ quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Cuối năm ấy, trừ chi phí, vợ chồng anh thu được 14 triệu đồng tiền lãi từ nuôi lợn, dê... Anh mạnh dạn vay thêm vốn, đầu tư trồng cà-phê. Họ dốc sức cải tạo đất, rồi kết hợp chăn nuôi với trồng trọt. Dần dần, kinh tế khấm khá hơn. Từ một trong những hộ nghèo nhất của xã Ea Drơng, gia đình anh Triệu giờ đây đã có "của ăn của để". Anh chị đã xây được một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi và có đủ tiền để lo cho ba con ăn học.

Cùng với chính sách ưu đãi tín dụng, tỉnh Ðác Lắc đầu tư hơn hai tỷ đồng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn cho hàng chục nghìn lượt người nghèo; đầu tư hơn tám tỷ đồng đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn lao động nghèo và lao động là người dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương còn tổ chức gặp gỡ người nghèo nhằm giúp họ nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách giảm nghèo; xác định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức vươn lên,... Ðồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể trong việc chỉ đạo, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên.

Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Ca Hoàng Công Nhiên cho biết, năm 2009, trạm và câu lạc bộ khuyến nông chăn nuôi bò thịt của xã Ea Kmut liên kết gần 30 thương lái, hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, con giống ban đầu cho các hộ nghèo. Hình thức tổ chức là thương lái đầu tư con giống và kết hợp với trạm để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các hộ nông dân. Ðến khi xuất bán, thương lái thu lại tiền giống, phần còn lại được chia theo thỏa thuận giữa hai bên. Nhiều hộ nông dân nghèo ở Ea Kmut tham gia chăm sóc đàn bò và đã có hơn 1.000 hộ dân thuộc ba xã Ea Mút, Ea Ðar, Ea Pan đã thực hiện liên kết, mỗi năm, các hộ vỗ béo được khoảng 20 nghìn con bò thịt, thu lời hàng trăm triệu đồng.

Chuyện kể rằng, ở xã Quảng Ðiền, huyện Krông Ana, tình cờ xem truyền hình giới thiệu về mô hình trồng nấm, nhận thấy nguyên liệu ở địa phương rất sẵn, chị Nguyễn Thị Bích Vân bàn bạc cùng gia đình đầu tư sản xuất nấm. Ðầu năm 2008, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 15 triệu đồng, gia đình chị Vân bắt đầu trồng nấm. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, và lấy ngắn nuôi dài, hiện nay, gia đình chị có một cơ ngơi khá lớn với khoảng 1.000 m2 trang trại, trong đó có một khu phối trộn nguyên liệu (mùn cưa, rơm...), một kho cấy meo, một kho ủ nguyên liệu đã đóng bao, một nhà lồng chăm sóc nấm. Ðến nay gia đình chị Vân không chỉ đã thoát nghèo, mà còn trả hết nợ vay, có vốn đầu tư nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh. Trang trại của gia đình chị có hàng chục luống nấm rơm, 7.000 bịch nguyên liệu tạo nấm mèo và nấm sò đang cho thu hoạch, với lợi nhuận từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày, trừ các khoản chi phí, lãi hơn 140 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay mô hình trồng nấm của chị Vân đang được bà con nông dân nhân rộng. Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Ðiền Ðặng Thị Loan cho biết: Hội chú trọng tuyên truyền tới tất cả các chị em, mở rộng mô hình trồng nấm, nhằm tạo bước phát triển mới, thực hiện tốt mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, đẩy lùi đói nghèo.

Bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, từng gia đình, trong ba năm qua, đã có bảy huyện ở Ðác Lắc có tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 25% (Ea H'leo, Ea Ca, Krông Ana, Krông Bông, Krông Năng, Krông Pách và Ma Ð'rắc); 31 xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống mức 40%. Số hộ nghèo thuộc diện các dân tộc thiểu số cũng giảm khá nhanh, bình quân mỗi năm giảm gần 4.800 hộ. Song, số hộ nghèo phát sinh mới và tái nghèo vẫn còn cao. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng có lúc, có nơi chưa quyết liệt, đồng bộ; một số ngành, địa phương chưa huy động tốt các nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, trình độ cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; việc triển khai các chính sách của Nhà nước đối với người nghèo ở một số nơi chưa hợp lý hoặc quá chậm, không đúng thời điểm làm giảm đi hiệu quả của chương trình. Những hạn chế này cùng với thực trạng dân trí thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành nguyên nhân chính làm giảm đi hiệu quả của chương trình giảm nghèo.

Ðác Lắc xác định, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2010 là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác giảm nghèo. Ưu tiên các nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các địa bàn khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đối với vùng nghèo; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, đào tạo nghề, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ tỉnh đến thôn, buôn... Làm được như vậy, số hộ nghèo sẽ giảm nhanh hơn nữa. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực