Bạc Liêu ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 20/09/2017 10:34
(ĐCSVN) - Những năm qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường cùng sự xâm thực của nước biển …đã làm cho sản xuất nông nghiệp của địa phương này bị thiệt hại nặng nề.


Triều cường gây sạt lở nhà ở tại các khu dân cư (Ảnh: K.V)

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp, từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra quy thành tiền hơn 1.150 tỷ đồng. Bạc Liêu đã gánh chịu những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra do nằm ở vị trí tiếp giáp với biển Đông, có hệ thống sông ngòi chằng chịt ăn sâu vào nội đồng, địa hình của Bạc Liêu lại tương đối thấp, với cao độ phổ biến từ 0,2 - 1,3 m so với mực nước biển nên rất dễ bị tác động tiêu cực từ nước biển dâng.

Khu vực nội đô TP.Bạc Liêu và các phường, xã vùng ven như: Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, Nhà Mát và cả các huyện khu vực ven biển như: Hòa Bình, Đông Hải thường bị ngập do triều cường dâng cao hoặc khi mưa lớn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Cụ thể đối với tài nguyên nước, biến đổi khí hậu thông qua vấn đề làm thay đổi lượng mưa và phân bố mưa ở các vùng sẽ kéo theo những thay đổi về dòng chảy của các dòng sông, kênh, rạch, gia tăng tần suất và cường độ lũ, hạn hán, nhiệt độ.

Nhiều địa phương ở vùng sản xuất phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu như: Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai… luôn phải ứng phó với nạn xâm nhập mặn gây hại trên lúa và thiếu nước mặn cho con tôm. Nước biển dâng còn làm cho diện tích canh tác lúa bị thu hẹp, suy giảm nghiêm trọng về sản lượng và chất lượng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, kéo theo đó là những hệ lụy mất cân bằng hệ sinh thái động, thực vật…

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu và hướng đến xây dựng những mô hình phát triển bền vững. Một trong những giải pháp được ưu tiên tập trung chỉ đạo là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức triển khai tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới của Trung ương và địa phương về biến đổi khí hậu, tài nguyên và bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Cũng như thông báo, thông tin tình hình biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng; đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền, giáo dục; khuyến khích người dân tích cực tham gia vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Thực hiện tốt công tác phối hợp, liên kết và tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai với các viện, trường, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ thực hiện phương châm chủ động ứng phó thông qua việc nâng cao năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Ngành nông nghiệp Bạc Liêu thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị tác động của thiên tai, nhằm góp phần giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và từng bước xây dựng thành công các mô hình sản xuất “sống chung” với biến đổi khí hậu.

Để giúp nông dân tỉnh Bạc Liêu từng bước hiểu và biết cách ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền nâng cao nhận thức hội viên về tác động của Biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, chọn - tạo các giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng; nhân rộng mô hình nuôi trồng mang tính bền vững. Điển hình là mô hình lúa - tôm được nông dân ở các huyện Phước Long, Hồng Dân, Thị xã Giá Rai thực hiện với lợi nhuận từ 50 đến 100 triệu đồng/ha.

Tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất lúa khoảng 10.000ha thuộc các huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần Thị xã Giá Rai. Vì vậy, diện tích sản xuất lúa - tôm tăng lên khoảng 40.000ha. Bạc Liêu cũng sẽ ứng dụng công nghệ thích với biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, củng cố và xây dựng mới các công trình giao thông, đê bao và hệ thống cấp - thoát nước, nhất là vùng ven biển và khu vực TP. Bạc Liêu. Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm với độ chính xác cao và biện pháp ứng phó với thiên tai; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn cho tỉnh theo nội dung Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu tăng cường đầu tư thực hiện và xây dựng nhanh các chương trình, dự án nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; bảo vệ và đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng tự nhiên; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, đô thị, nông thôn ven biển theo hướng phù hợp với kịch bản nước biển dâng; từng bước xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt, xâm nhập mặn theo kịch bản nước biển dâng của tỉnh đến cấp xã, nhất là vùng ven biển để có các biện pháp ứng phó phù hợp; chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị  tác động của triều cường, bão gây ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao như: huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu.

Tăng cường mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về nguồn nước, nhằm hạn chế tác động của xâm nhập mặn, nước biển dâng. Đồng thời, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và khí các-bon thấp, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, trồng rừng phòng hộ ven biển...; ưu tiên thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các biện pháp chống mất rừng, suy thoái rừng và tạo sinh kế cho người dân. Xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống mạng lưới trạm khí tượng - thủy văn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ ngập lụt nhằm dự báo, khoanh định khu vực bị ngập lụt do ảnh hưởng của nước biển dâng; kết hợp với công nghệ quan trắc tự động, liên tục, dữ liệu về khí tượng thủy văn để cập nhật tự động, liên tục bản đồ ngập lụt và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.../..

 

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực