Bảo hiểm xã hội ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào phục vụ người dân

Thứ hai, 11/12/2017 15:38
(ĐCSVN) - Thật tình cờ khi đọc được những dòng trạng thái cảm xúc trên trang Facebook cá nhân của của chị Nguyễn Thị Hoài Thu, công tác tại Cục Công nghệ thông tin -Bộ Tài nguyên và Môi trường dành lời khen ngợi về phong cách làm việc và thủ tục hành chính nhanh gọn khi lần đầu tiên chị đến BHXH quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm thủ tục hưu trí, bởi đây là điều hiếm gặp.

Người dân được hưởng lợi

Chúng tôi tìm đến nhà chị Thu để mắt thấy tai nghe về những điều chị chia sẻ khi gọi BHXH quận Thanh Xuân là những Ánh sao lấp lánh…! bởi đây là điều hiếm gặp. Thông thường người dân khi đi làm thủ tục hành chính ở các cơ quan nhà nước thường phàn nàn về thủ tục hành chính rườm rà, gây khó dễ và thái độ chưa tốt của cán bộ công chức.

Hành trình đi làm thủ tục hành chính được chị Thu mô tả ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc, với cách đánh giá đậm màu sắc “bệnh nghề nghiệp” của một cán bộ có thâm niên 27 năm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từng tham gia thực hiện đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112) xây dựng Chính phủ điện tử (e-gov).

chị Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Mẫn Phạm

“Theo hướng dẫn, khách đến bấm lấy số, ngồi đúng cửa đợi, vài phút đến lượt mình. Các nhân viên không bóng bẩy, lụa là nhưng thái độ cởi mở, nhanh gọn. Cô nhân viên trẻ hỏi mình cần gì, rồi hướng dẫn rất rõ. Mình đưa hồ sơ và cô trả lại những giấy tờ không cần thiết, rồi tra máy tính. Tất cả dữ liệu thông tin của mình đã có trong hệ thống phần mềm của BHXH. Cô nhân viên hỏi mình thẻ BHYT cũ, rồi đưa ngay thẻ BHYT mới và chuyển giấy tờ lĩnh trợ cấp toàn bộ lương hưu cho mình qua bàn bên cạnh. Khi mình nói muốn đổi nơi khám chữa bệnh về Bệnh viện khác gần nhà, cô bảo: “Sang đầu năm cô ra đây chúng cháu làm cho”. Thật thân ái! Cô nhân viên bên cạnh cũng chỉ mất vài phút để ghi hóa đơn trả tiền, rồi chuyển sang bàn tiếp. 3 phút sau, mình đã nhận được đầy đủ giấy tờ, trợ cấp lương và thông tin đầy đủ cùng thông báo trả lương ngay về tài khoản của mình ở ngân hàng. Quá nhanh chóng!”- Chị Thu hồ hởi kể lại.

Trò chuyện với chúng tôi, Chị tiếp tục câu chuyện của mình với một niềm vui khôn tả: “cảm động lắm các em ạ, bởi lẽ trước khi đến đây, chị đã chuẩn bị sẵn tâm thế nhận là “kẻ đi xin”, sẵn sàng bị quát mắng, khó dễ của bộ máy công quyền mà mình cũng là một thành phần trong đó!, chuẩn bị cả tâm thế bị “trục trặc” và mấy tháng không có lương cũng là… bình thường, là “thuận chiều xã hội”. Và không như chị nghĩ. Lối vào cơ quan BHXH quận Thanh Xuân chật hẹp, trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc cũ, nhưng ở đó, một cách làm việc hoàn toàn sáng sủa, mạch lạc, cách quản lý đã mang màu sắc của cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cảm động còn bởi chính chị Thu hiểu hơn ai hết, để có thể gói gọn toàn bộ quy trình thủ tục hành chính hưởng lương hưu chỉ trong khoảng 30 phút ngắn ngủi này chính là một “kỳ tích” của ngành BHXH. Từng vô cùng say mê, khát khao xây dựng thành công mô hình Chính phủ điện tử, với vai trò là thành viên Đề án 112, Chị thường xuyên kết nối, thực hiện liên thông dữ liệu thông tin với các bộ, ngành. Thời điểm đề án này phải tạm dừng triển khai vào năm 2007, chị biết rõ, BHXH Việt Nam vẫn chưa đạt được các điều kiện cả về kỹ thuật, cũng như phần mềm nghiệp vụ để tạo lập được hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất trên toàn quốc. Bởi thế, các hồ sơ giải quyết chế độ chính sách BHXH của người lao động phải cần sự thẩm định kỹ càng, và chắc chắn không thể trả lời “trong ngày” khi mà bộ hồ sơ luôn “dầy cộp” các loại giấy tờ liên quan đến toàn bộ quá trình công tác.

Thế nhưng, lần này tìm đến cơ quan BHXH, hồ sơ hưởng hưu trí của chị chỉ cần duy nhất một tờ quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng được BHXH TP Hà Nội gửi về cơ quan chị trước đó... Và chỉ mất khoảng vài chục phút là chị đã làm xong thủ tục hưu trí cho mình.

Chia tay chúng tôi, chị xúc động nói: “Suốt một đời theo nghiệp tin học hóa, đi làm với bao thăng trầm, hỉ, nộ, đến nay mới được thấy hương sắc của nụ hồng mai sớm đó. Ai đó nói, khi ta yêu một cái gì đó mãnh liệt, thì có ngày ta chạm được nó. Cảm ơn BHXH quận Thanh Xuân- Ánh sao lấp lánh giữa bầu trời đêm!. Cảm ơn những người đã không mệt mỏi theo đuổi sự nghiệp tin học hóa của nước nhà, để xây dựng một Chính phủ điện tử mang đến sự thuận lợi cho người dân, sự minh bạch của nền hành chính hiện đại vì sự phát triển, phồn vinh của đất nước.”

BHXH Việt Nam khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến

Bên cạnh những phản hồi trực tiếp tích cực từ các “khách hàng” của cơ quan BHXH như chị Thu, một sự ghi nhận khách quan khác cho sự nỗ lực của BHXH Việt Nam là sự kiện cơ quan này đã vượt thêm 18 bậc, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT – truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT Index 2017) dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử. Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được thành lập và bắt đầu vận hành là kết quả tổng hợp từ một quãng thời gian dài hệ thống BHXH đồng thời phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đưa vào sử dụng các phần mềm nghiệp vụ có chức năng kết nối liên thông dữ liệu toàn diện (kết nối giữa trung ương với địa phương, kết nối giữa các lĩnh vực thu, chi, sổ, thẻ, giải quyết chế độ chính sách...). Từ năm 2016, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu người, với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản. Đây là cơ sở để Ngành hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tiến tới hoàn thiện sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử trong năm 2018.

BHXH quận Thanh Xuân (Hà Nội) ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa. Ảnh: Mẫn Phạm

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, ngành BHXH đã triển khai đồng bộ nhiều hệ thống phần mềm quan trọng. Cụ thể, triển khai Bộ công cụ tập trung dữ liệu tại trung ương để quản lý 3 mảng nghiệp vụ quan trọng gồm: Thu, sổ thẻ và quản lý tài chính- tiến tới xây dựng hệ thống phần mềm tổng thể, thống nhất, đáp ứng hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ khác. Trong đó, đã giúp quản lý, đồng bộ thông tin với khoảng 65 triệu người tham gia BHXH, BHYT (đạt 82%) và cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam cũng tích cực xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ Ngành cũng như kết nối với các ngành khác. Tính đến nay, Ngành cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho gần 500.000 đơn vị sử dụng lao động, giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm, giảm từ 115 thủ tục hành chính xuống còn 28 thủ tục.

Theo kế hoạch, trước ngày 31/12/2017, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống, cung cấp 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, với hơn 28,6 triệu hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trong năm 2016, là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu khối bộ, ngành về mức độ giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực