Bạo lực gia đình ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm

Thứ tư, 12/12/2018 22:02
(ĐCSVN) - Sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần quan trọng vào việc làm chuyển biến nhận thức của người dân về bạo lực gia đình; bạo lực gia đình trong cả nước cũng có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong thực tế, bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Ngày 12/12/2018, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng chống bạo lực gia đình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng chống bạo lực gia đình (Ảnh: K.T)

Đánh giá về bạo lực gia đình và 10 năm thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Bạo lực gia đình hiện đang là điểm nóng trong nghị sự của mỗi quốc gia. Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển hoặc đang phát triển cũng đang phải đấu tranh nhằm phòng, chống bạo lực gia đình. Theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy: Có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2007 và có hiệu lực năm 2008. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao thay mặt Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.

10 năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương nỗ lực triển khai, tổ chức thực hiện Luật: xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục chuyển đổi hành vi của người dân, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng; xây dựng, tiến hành các giải pháp, hành động can thiệp, xử lý nhằm chấm dứt bạo lực gia đình. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ trung ương tới cơ sở nên đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiểu biết và nhận thức của người dân và toàn xã hội đã được nâng lên, hành vi bạo lực gia đình được nhận diện và từng bước giải quyết theo quy định của pháp luật; xây dựng và phát triển các cơ sở hỗ trợ giải quyết bạo lực gia đình ngay từ cộng đồng; huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình….

Tuy nhiên trong thực tế, bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng, cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai, thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Luật chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), các chính sách đầu tư nguồn lực từ nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai.

Việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa tương xứng với số vụ BLGĐ do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người gây BLGĐ…

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, ban, ngành đã có những tham luận nhằm làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong quá trình thi hành Luật; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện Luật tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo vệ quyền con người, cũng như sự an toàn cho mọi cá nhân ngay từ trong gia đình và ngoài xã hội. Luật phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành thể hiện rõ cam kết và trách nhiệm của Nhà nước ta đối với vấn đề này. Ngay sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức triển khai, thực hiện Luật. Các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình đã được xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc với sự đầu tư nguồn lực của Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các địa phương,các tổ chức xã hội, các cá nhân quan tâm tới công tác phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam. Do đó, sau 10 năm thực hiện Luật, nhận thức về bạo lực gia đình ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, bạo lực gia đình không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà là mối quan tâm chung của toàn xã hội, là trách nhiệm giải quyết và hỗ trợ của cả cộng đồng, cả quốc gia; các hoạt động, dịch vụ can thiệp, phòng, chống bạo lực gai đình đã được hình thành và vận hành ngay từ cấp cơ sở; hành vi bạo lực gia đình đã bị lên án và xử lý bằng các quy định của pháp luật…

Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình được thực thi hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các Đề án, Chương trình, Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đầu tư nguồn lực cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; chủ động, tích cực thực hiện và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao về phòng, chống bạo lực gia đình…/.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực