Biến nỗi đau thành hành động! ​

Thứ ba, 04/12/2018 15:37
(ĐCSVN) – Cứ mỗi khi một vụ việc xâm hại trẻ em được phanh phui, bất cứ ai cũng cảm thấy sôi sục, vô cùng chua xót. Nhưng chỉ mãi đau, mãi lên án thôi chưa đủ, điều cần là phải biến nỗi đau thành hành động mạnh mẽ!

Cần liều “vắc xin” bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: KT)

Đau lòng khi trẻ bị chính người thân xâm hại

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60% là con số thống kê của Bộ LĐ-TB&XH. Song thực tế, những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Mổ xẻ các vụ xâm hại trẻ em, những con số đau lòng khác được thống kê: trong 3 năm, từ 2015 - 2018 từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen. Cụ thể hơn, tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi người lạ là 12,6%. Những cho số này cho thấy sự nguy hại khi những “yêu râu xanh” lại chính là ông, cha, chú - những người thân yêu và đáng tin cậy của các em.

Tại hội trường Quốc hội Kỳ họp thứ 6 mới đây, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) phát biểu đầy tâm tư: “Dư luận vẫn rất phẫn nộ trước các vụ việc chính cha ruột và ông nội thông đồng cùng hiếp dâm con gái, cháu gái của mình mới 11 tuổi. Thầy giáo dâm ô với nhiều học sinh hay ông cụ hàng xóm đã 81 tuổi dâm ô với bé gái mới 16 tháng tuổi. Thật đau lòng khi nạn nhân bị xâm hại nhỏ nhất mới chỉ 16 tháng tuổi, còn thủ phạm thì có thể từ người chưa thành niên mới 15, 16 tuổi đến cụ ông 70, 80 tuổi, có thể là người dân tộc Kinh hay người dân tộc thiểu số. Xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra ở thành thị, có thể ở nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa”.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Tháng hành động vì trẻ em năm nay đã chọn chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Bởi lẽ, sự bùng nổ của công nghệ số cũng gia tăng nạn xâm hại tình dục, bóc lột tình dục thương mại trẻ em. Trẻ em bị dụ dỗ, ép buộc tham gia phô bày cơ thể và biểu diễn tình dục qua mạng. Hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em được bán cho bên thứ ba. Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đã từng lên tiếng: “Chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì nhưng những tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật”.

Nguyên nhân chung chủ yếu của tình trạng trên đã nhiều lần được lãnh đạo Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra là do công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật hiệu quả chưa cao, phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm chưa thật sự sâu rộng, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý giáo dục trẻ em chưa chặt chẽ.

Đáng nói, nhiều gia đình thiếu quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ con cái, công tác giáo dục trong nhà trường về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh khi có nguy cơ xâm hại còn nhiều mặt hạn chế.

Việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, xử lý loại tội phạm này. Đặc biệt, xâm hại tình dục trẻ em là việc có tính nhạy cảm nên nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp đối tượng thực hiện hành vi nhiều lần, trong thời gian dài mới bị phát hiện...

Bảo vệ trẻ em bằng hành động

Làm thế nào để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh? Câu hỏi này đặt ra từ lâu. Có điều, các cơ quan chức năng vẫn nhận định tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn biến, hỏi sao không suy nghĩ? Thậm chí, có vụ việc chỉ đến khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến thì mới xem xét, xử lý dẫn đến bức xúc trong xã hội.

Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em là không thể chấp nhận, bằng mọi cách phải phòng ngừa, ngăn chặn và nghiêm trị.

Để ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, quy trình can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao nhận thức, đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Song song đó là đề cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc ngăn chặn, tố giác, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại trẻ em. Nói như lời đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung là cần “xây dựng cộng đồng thành một bức tường rào vững chắc bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại”.

Cũng phải khẳng định, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trước hết thuộc về gia đình, chứ không phải ở đâu khác. Điểm mấu chốt là các bậc cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm sâu sát, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cũng cần dạy cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết và cách thức phòng vệ tự bảo vệ bản thân mình. Đừng vì suy nghĩ “trẻ con thì chưa biết gì”, “trang bị kiến thức sớm biết đâu trở thành con dao hai lưỡi”… mà coi nhẹ việc trang bị kiến thức về giới tính cho trẻ.

Vấn đề quan trọng khác để ngăn chặn tội phạm này là cần khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em thời gian qua. Kiên quyết không để các vụ việc chìm vào im lặng, gây bức xúc cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Bởi nếu chúng ta còn im lặng, thì sẽ còn có thêm nhiều tội ác khác. Đặc biệt, cần tăng mức hình phạt thích đáng, nghiêm khắc và không thể có sự khoan hồng đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo tính dăn đe, cảnh báo cho toàn xã hội.

Một giải pháp khác nhiều lần được các chuyên gia khuyến nghị tại các diễn đàn về bảo vệ trẻ em là cần đưa các chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy trong các nhà trường. Mới đây, một lần nữa, việc này được đại biểu Triệu Thanh Dung đưa ra trước Quốc hội. Đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần nghiên cứu, đưa nội dung giáo dục giới tính vào các chương trình giảng dạy sao cho phù hợp. Các cơ sở giáo dục cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác bảo mẫu, về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em không bị xâm hại...

Tất nhiên, giảm thiểu tình trạng này không phải việc làm trong một thời gian ngắn, trong ngày một ngày hai mà là cả thời gian, quá trình. Cùng với những vấn đề trên, nhiều biện pháp dài hơi cũng đã được đưa ra thực hiện để giải quyết tình trạng này.

Còn nhớ, tại hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra hồi đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai. Do đó, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình”.

Xâm hại trẻ em, ai lo? Quả thật, mỗi chúng ta đều có thể góp phần tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm của mình. Tin rằng, cùng nhau thực sự hành động, chúng ta xây dựng được môi trường sống, học tập và vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em!./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực