Bình Dương tập trung phòng chống sạt lở

Thứ hai, 24/07/2017 10:07
(ĐCSVN) – Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, hiện dọc tuyến sông Sài Gòn đi qua địa bàn tỉnh có 39 điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 36 điểm xuất phát từ các năm trước, 3 điểm mới xuất hiện trong năm 2016.

Một điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Nguồn: Báo Bình Dương)

Cùng với đó, sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương cũng có 21 điểm sạt lở, trong đó có 18 điểm sạt lở cũ từ những năm trước và 3 điểm sạt lở mới trong năm 2016. Hiện nay, bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên có 169 hộ dân có nhà ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó có 139 hộ dân thuộc diện cần di dời.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sạt lở được ngành chức năng xác định là do xâm thực bởi triều cường, mưa lũ, hoạt động khai thác cát trái phép dưới lòng sông… Được biết, tình trạng sạt lở bờ sông ở Bình Dương bắt đầu từ năm 2000. Từ năm 2005, tỉnh này cũng đã đình chỉ các hoạt động khai thác cát trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh. Tuy nhiên, tình hình khai thác cát trái phép vẫn diễn ra lén lút, cùng với ảnh hưởng của dòng chảy tự nhiên và hoạt động của các bến thủy nội địa nên một số điểm đã sạt lở vẫn tiếp tục sạt lở thêm và phát sinh một số điểm sạt lở mới.

Để khắc phục và hạn chế sạt lở bờ sông, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh này yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với các địa phương là huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một tăng cường kiểm tra, đình chỉ và nghiêm cấm người dân không xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và có biện pháp ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép; có kế hoạch trồng một số loại cây chắn sóng như tầm vông, tre, trúc… để giữ bờ, chống sạt lở./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực