Cà Mau: Gần 35 nghìn ha rừng nằm trong vùng báo cháy cấp V

Thứ năm, 12/03/2020 17:54
(ĐCSVN) – Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện trong tổng số hơn 43.000 ha rừng tràm và rừng ở các cụm đảo trên địa bàn tỉnh đã có hơn 34.700 ha dự báo cháy cấp V.
leftcenterrightdel
Diễn tập chống cháy rừng ở Cà Mau. (Ảnh: Báo Cà Mau) 

Diện tích rừng còn lại trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đa phần cũng đạt báo cháy cấp IV - cấp nguy hiểm và cấp III - cấp cao. Diện tích báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm tập trung chủ yếu tại lâm phần thuộc: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ với hơn 17.000 ha; Vườn Quốc gia U Minh hạ gần 2.900 ha…

Cụ thể, nhiều ngày qua, nắng nóng kéo dài, gió mạnh đã làm cho tất cả diện tích rừng tràm của tỉnh Cà Mau bước vào giai đoạn khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mực nước dưới các kênh, mương lâm phần rừng tràm Cà Mau bốc hơi nhanh, nếu nắng nóng tiếp kéo dài thì nguy cơ thiếu nước chữa cháy rừng sẽ xảy ra.

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau đã thực hiện đồng bộ các các giải pháp phòng, chống cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”, phòng tình huống bất ngờ xảy ra.

Theo đó, việc nâng cao vai trò tự bảo vệ, cảnh giác của người dân trong phòng, chống cháy và bảo vệ rừng là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên và trọng tâm của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Các đơn vị quản lý rừng cũng đã đưa nội dung phòng cháy và chữa cháy rừng vào các cuộc họp trên địa bàn ấp, xã với sự tham dự của người dân.

Cùng với đó là tổ chức ký với các chủ hộ gia đình cam kết thực hiện các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng trong mùa khô. Các địa phương có rừng đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tuyên truyền người dân có ý thức cũng như phản ứng nhanh khi cháy xảy ra. Đồng thời tổ chức phát quang bụi rậm, bờ thửa, trồng chuối tạo thành đường băng xanh cản lửa.

Từng hộ dân được khuyến cáo đi kiểm tra rừng mỗi ngày để đảm bảo không có đối tượng lạ mặt vào rừng, không còn vật liệu dễ bén lửa ở những nơi có nhiều khả năng xảy ra cháy. Việc phát dọn chướng ngại vật tại các kênh mương cũng có ý nghĩa tích cực trong việc tuần tra và vận chuyển các trang thiết bị dễ dàng hơn nếu như có cháy xảy ra.

Ngoài Vườn Quốc gia U Minh Hạ, các đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Công ty Chế biến Gỗ Cà Mau, Công ty Khánh Linh, Thuý Sơn…cũng đã tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo kịp thời xử lý khi xảy ra cháy.

Các phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã và đang được triển khai đến từng hộ dân, trong đó có việc nghiêm cấm hầm than, đốt đất sản xuất nông nghiệp trong và ven rừng vào mùa khô này.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết thêm, ngay từ rất sớm, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ, Uỷ ban nhân dân các huyện U Minh và Trần Văn Thời chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt, bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.500 ha rừng tràm ở Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Cùng với đó, các đơn vị, chủ rừng tăng cường kiểm tra, rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất trường hợp cháy rừng xảy ra, kiên quyết không để xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng.

Tỉnh Cà Mau còn tăng cường đầu tư thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy chuyên dụng đảm bảo tối thiểu cho hoạt động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; sẵn sàng phối hợp với các lực lượng ứng phó, xử lý tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi có xảy ra cháy rừng.

Ban chỉ đạo các cấp trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ với các xã, chủ rừng theo phương án đã được duyệt; phát huy vai trò trách nhiệm của chủ rừng trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện, ngăn chặn xử lý, báo cáo kịp thời nguy cơ, hành vi vi phạm. Trong đó, các đơn vị, chủ rừng quản lý chặt chẽ việc người dân đốt nương làm rẫy hoặc việc sử dụng lửa của du khách khi đến tham quan tại khu rừng danh lam thắng cảnh, khu du lịch, khu lễ hội ở gần rừng. /..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực