Các tỉnh miền Trung chủ động phòng chống bão số 4

Thứ năm, 29/08/2019 17:18
(ĐCSVN) - Bão số 4 đang hướng về đất liền các tỉnh miền Trung. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, sáng 30/8, bão số 4 sẽ ảnh hưởng tới đất liền, trọng tâm là các tỉnh Bắc Trung bộ và có nguy cơ gây mưa to, ngập lụt trên diện rộng.

Để chủ động đối phó với bão số 4, trong ngày 29/8, các tỉnh miền Trung đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Trong đó, các địa phương gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã có thông báo, công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, tránh bão số 4; triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Từ đêm 28 - 29/8, các tỉnh từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP Đà Nẵng trở ra đã có mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4 (Ảnh: Đình Tăng)


Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình được dự báo là tâm bão số 4 sẽ đi vào đất liền, vì vậy, các địa phương này đang khẩn trương tổ chức chỉ đạo hệ thống chính trị và nhân dân chủ động phòng chống bão.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Theo đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh này thì ngay trong sáng sớm 29/8, lãnh đạo Văn phòng PCTT&TKCN tỉnh đã nhắn tin cho lãnh đạo các đơn vị, các huyện, thị xã và TP Huế để triển khai phương án ứng phó bão số 4; tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, bao gồm cả số ghe, thuyền ở bãi ngang, đầm phá; bảo đảm an toàn cho các công trình, nhà cửa khu vực ven biển; an toàn cho khách du lịch tại các khu du lịch, khách sạn, bãi tắm biển; chỉ đạo các địa phương triển khai thu hoạch nhanh gọn vụ lúa Hè Thu 2019 và diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản.

Cùng với việc nhắn tin, Văn phòng PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chủ động fax, chuyển mail, đưa lên hệ thống mạng xã hội của Ban Chỉ huy Phòng PCTT&TKCN tỉnh các bản tin liên quan về cơn bão số 4 để các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã và TP Huế để chủ động ứng phó.

Cũng trong sáng 29/8, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương và chủ động kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và phòng chống lụt bão các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh và các công trình thủy điện đang thi công; tiến hành vận hành mở thử các cửa van tràn đảm bảo vận hành tốt khi có yêu cầu.  

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn, liên lạc đài trực canh để thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão số 4 để chủ động phòng tránh. Tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn; sử dụng 4 xuồng, 14 cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương và chủ tàu, thuyền trưởng hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền vào âu, khu neo đậu an toàn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến 6h ngày 29/8 đã có 2.019 phương tiện/10.995 lao động của tỉnh vào tránh trú bão số 4 an toàn. Toàn tỉnh đã thu hoạch được 22.200 ha lúa vụ Hè Thu, diện tích chưa thu hoạch 1.100 tập trung tại các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

Tại tỉnh Quảng Bình: Ngay trong sáng 29/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công điện số 06/CĐ-UBND về chủ động ứng phó với cơn bão số 4. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm (trên Biển Đông trong 24 giờ tới gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên: Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc) vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Kiểm soát chặt chẽ, không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h ngày 29/8 cho đến khi bão tan. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp, neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.

Tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó và khắc phục hậu quả. Có biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em ở những vùng thường ngập lụt; kiên quyết không để xảy ra chết, bị đói, rét khi có bão, lũ. Tổ chức ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 4, rà soát phương án phòng chống bão, lũ, đặc biệt ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, vùng thường xuyên ngập sâu, hạ lưu các hồ chứa; bảo đảm an toàn các công trình giao thông, thủy lợi, công trình đê điều, hệ thống điện, thông tin liên lạc.

Tàu thuyền của ngư dân miền Trung neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang- TP Đà Nẵng để trú tránh bão số 4 (Ảnh: Đình Tăng)


Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, tính đến 9h giờ ngày 29/8, toàn tỉnh Quảng Bình có 799 tàu cá, phương tiện với 5.147 lao động hoạt động trên biển. Gồm ở các vùng biển: Bắc Biển Đông và Hoàng Sa, Vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Bình và Vùng biển Nam Biển Đông. Hiện nay, thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền và người lao động đã nắm được thông tin về cơn bão số 4 và đang trên đường vào nơi trú ẩn an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hiện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đang chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển, các đơn vị chức năng triển khai thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn, kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch.

Đồng thời với đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển phối hợp sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại bờ và các âu thuyền; duy trì nghiêm kíp trực, chuẩn bị lực lượng phương tiện, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, tham gia tình kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Tại tỉnh Quảng Trị: Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, đến sáng 29/8, toàn tỉnh đã có khoảng 2.300 tàu thuyền với hơn 7.000 thuyền viên đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của cơn bão số 4. Tuy nhiên, đến sáng 29/8 tỉnh này vẫn còn  9 chiếc tàu với 102 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ vẫn chưa thể liên lạc được. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và gia đình các thuyền viên để tìm cách liên lạc, kêu gọi số tàu thuyền này vào bờ tránh trú bão.

Trong khi đó, thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 ha vụ lúa Hè Thu chưa thu hoạch. UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương triển khai thu hoạch nhanh diện tích còn lại vụ lúa Hè Thu và diện tích nuôi trồng thủy sản trước khi bão số 4 đổ bộ. Từ ngày 28/8 đến sáng nay, trên các cánh đồng thuộc các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh…, người dân và các phương tiện cơ giới đang khẩn trương gặt và vận chuyển lúa về nhà.

Trước diễn biến của bão số 4, tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn thông báo cho các địa phương yêu cầu lực lượng chức năng hướng dẫn cho các tàu thuyền vào nơi neo đậu, kiểm đếm chặt chẽ, giữ liên lạc với tàu trên biển tìm nơi tránh bão. Đối với khu vực miền núi cần cảnh báo kịp thời, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, bố trí lực lượng kiểm soát không cho người dân qua lại các ngầm tràn, bến đò./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực