Can Lộc (Hà Tĩnh): Sức sống mới nơi tọa độ lửa

Chủ nhật, 19/05/2019 09:26
(ĐCSVN) - Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Hà Tĩnh là huyết mạch quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi đây, mỗi tên đất, tên làng, mỗi dòng sông, ngọn núi một thời phải gồng mình trong mưa bom, bão đạn của quân thù trở thành “tọa độ lửa”, hôm nay đang vươn mình trỗi dậy sức sống mới...
Những ngày tháng Năm, khắp các làng quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh bừng sáng lên gam màu mới. Từ ngã ba Lạc Thiện, quốc lộ 15A năm xưa chi chít hố bom, nay phẳng phiu như một dải lụa mềm xuyên trong ánh nắng ban mai, uốn lượn quanh co giữa những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu rồi chạy thẳng vào ngã ba Khe Giao. Đứng ở Ngã ba Đồng Lộc, phóng tầm mắt theo quốc lộ 15A về phía xa, các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Trung Lộc và Thượng Lộc, nơi đóng quân của các đại đội thanh niên xung phong, các đơn vị ngành Giao thông vận tải và trận địa pháo của bộ đội năm xưa đang trải mình dưới chân dãy Trà Sơn, tạo thành một dải đất bán sơn địa tốt tươi, màu mỡ. 
Một góc làng quê nông thôn mới xã Hương Trà, huyện Hương Khê hôm nay, bên tuyến đường Hồ Chí Minh là trọng điểm ác liệt những năm chống Mỹ, cứu nước.Ảnh: PT

Ông Đào Xuân Tinh, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, giới thiệu với chúng tôi: Trong những năm chiến tranh ác liệt Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã chọn xã, Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) làm nơi đóng trụ sở chỉ huy. 60 năm qua đi, những chiến tích về tuyến đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh vẫn in đậm trong tâm trí của nhân dân nơi đây và trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh cho bà con vươn lên trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, tại địa phận Hà Tĩnh, các cung đường 15A, đường 21 và 22 đều là huyết mạch giao thông quan trọng của đường Trường Sơn. Đường 15A dài hơn 100 km, bắt đầu từ ngã ba Lạc Thiện đi qua Nga Lộc, Phú Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc vào ngã ba Khe Giao, đi lên địa phận Hương Khê, vào đến tận Quảng Bình. Giai đoạn những năm 1968-1969 các cung đường này trở thành mục tiêu bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ. Mặc bom đạn Mỹ cày xới, quân và dân Hà Tĩnh đã không tiếc máu xương, sẵn sàng dốc hết sức người, sức của với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc thừa cân, quân thừa người” cùng cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tất cả vì miền Nam ruột thịt thân yêu!

Sau 60 năm khói lửa chiến tranh, những tên đất, tên làng, những cung đường Trường Sơn huyền thoại một thời gồng mình lên giữa mưa bom, lửa đạn để nâng bước những đoàn quân ra trận chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc giờ đây đang trỗi dậy một màu xanh. Những con đường thấm máu đào của các anh hùng liệt sỹ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng với nhiều cụm di tích lịch sử được xây cất khang trang và nhiều làng quê nông thôn mới hiện hữu nơi được coi là “tọa độ lửa” trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Chúng tôi ghé Đồng Lộc, thắp nén hương tưởng niệm các nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong. Đi giữa mảnh đất thiêng khiến chúng tôi thêm bồi hồi nhịp bước. Dạo quanh các làng quê vùng thượng Can, được chứng kiến cảnh làm ăn sôi động của bà nông dân Thượng Lộc với những mô hình kinh tế mới thật đa dạng. Những hố bom giặc Mỹ dày xéo năm xưa đã được nhân dân san lấp cấy lúa, trồng khoai, xây dựng trang trại, phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lộc –Mai Xuân Minh cho biết: Vốn là địa phương miền núi lại gánh chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh nên Thượng Lộc hết sức khó khăn. Nhưng với sự lãnh đạo sát sao, đúng đắn của Đảng bộ xã nhà và tinh thần cần cù vượt khó vươn lên của mọi người dân địa phương, năm 2017 xã Thượng Lộc đã về đích nông thôn mới.

Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Thanh (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc,
huyện Can Lộc). Ảnh: PT

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc), chúng tôi lạc vào giữa màu xanh tươi tốt của trang trại cam trĩu quả rộng khoảng hơn 2 ha. Cách đường 15A chừng 5 km, khu vườn nằm cheo leo trên một quả đồi xanh trù phú với đủ loại cây trồng như dó trầm, tràm, keo nguyên liệu, cam, bưởi đang thỏa sức cho mùa quả ngọt, trong đó cam là cây chủ lực chiếm gần 1/2 diện tích với hơn 800 gốc. Bình quân hàng năm, gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây cam, cây bưởi và dó trầm. Riêng vụ mùa năm nay, gia đình anh Thanh đã xuất bán ra thị trường hơn 12 tấn cam thương phẩm, thu về gần 400 triệu đồng. Một điển hình khác là gia đình anh Đặng Văn Hạnh (xóm Sơn Bình) nuôi lợn theo mô hình liên kết với Tập đoàn CP nhiều năm nay cũng cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Cùng với Thượng Lộc, những làng quê xã Hương Đô, huyện Hương Khê, nơi những năm chống Mỹ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559) đặt trụ sở chỉ huy là trọng điểm cày xới, tàn phá của bom đạn, giờ đây cũng đang vươn mình trỗi dậy. Nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình chuyển hướng đầu tư phát triển trang trại, trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung liên kết nhằm tạo sản phẩm chủ lực để xóa đói giảm nghèo.

Cụ Đinh Thị Khánh giới thiệu về căn hầm Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tại xã Hương Đô
Ảnh: PT

Vào thăm gia đình cụ Đinh Thị Khánh ở xóm 7, trong những năm chiến tranh gia đình cụ đã nhường căn nhà 3 gian cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559 làm trụ sở chỉ huy và nay trở thành khu di tích lịch sử quốc gia. Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 90, nhưng trong hồi ức của cụ vẫn vẹn nguyên sự tàn phá, ác liệt của bom đạn Mỹ trút xuống vùng đất này. Dẫn chúng tôi đi thăm căn hầm và giao thông hào nối liền các khu vực sở chỉ huy Đoàn 559, cụ Đinh Thị Khánh nói với tôi rằng, từ năm 1965 đến năm 1969 mỗi ngày hàng trăm tấn bom đạn giặc Mỹ trút xuống khu vực này, khiến hàng trăm người hy sinh, làng mạc hết sức hoang tàn. Chiến tranh đi qua, vượt lên đau thương, những người dân nơi vùng “tọa độ lửa” lại say sưa tay cuốc, tay cày, cần mẫn lao động để xây đắp cuộc sống.

Trên đường trở về đi qua các xã Hương Trà, những khu dân cư kiểu mẫu; những nông trường đang vào vụ thu hoạch… tạo nên một diện mạo mới, bừng lên sức sống mới. Chia tay những vùng quê một thời được xem là “tọa độ lửa”, chúng tôi như hòa vào cảnh sắc của cung đường Trường Sơn những năm đổi mới. Sức sống mới của những con đường khói lửa năm xưa đang được viết tiếp bằng tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn của quân và dân nơi đây một thời không quản hiểm nguy tất cả vì tiền tuyến, để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược./.               

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực