Cần ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích

Thứ năm, 10/01/2019 16:44
(ĐCSVN) - Hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra trong thời gian gần đây có liên quan đến việc lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích đã khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Mong mỏi chung của xã hội đó là cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trên để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông…
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại Long An. (Nguồn: kinhtedothi.vn)

Mới đây, vụ tai nạn giao thông tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, vào khoảng 15h20 ngày 2/1/2019, xe container BKS: 62C-043.48 chạy từ Long An đi TP Hồ Chí Minh đến ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An đã bất ngờ lách qua một xe tải phía trước rồi lao vào làn xe hai bánh. Hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ bị xe container cuốn vào gầm và kéo đi khoảng 200m mới dừng lại. Tai nạn làm 4 người chết (3 nam, một nữ), 18 người khác bị thương; 21 xe máy bị biến dạng. Hậu quả nặng nề của vụ tai nạn đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong những ngày đầu năm 2019. Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Long An, người điều khiển xe container là Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ ở tỉnh Long An). Kết quả xét nghiệm bước đầu cho thấy, Hiếu dương tính với ma túy. Tuy nhiên, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Hiếu chỉ thừa nhận có sử dụng bia trước khi lái xe nhưng phủ nhận việc sử dụng ma túy.

Thực tế thời gian gần đây cho thấy xu hướng đáng báo động về tình trạng lái xe gây tai nạn sau khi sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Trước đó, cuối tháng 12/2018, chiếc Lexus mang BKS 29A 742.75 lưu thông trên đường Trích Sài (Hà Nội) bất ngờ mất lái đâm liên tiếp 4 xe máy đi cùng chiều phía trước và một xe ô tô của lực lượng cảnh sát giao thông. Sau đó, chiếc xe này tiếp tục lùi và đâm vào 3 xe máy phía sau và một chiếc taxi. Cú va chạm liên hoàn khiến 6 người trên các xe máy bị thương, trong đó có một học sinh bị cuốn vào gầm ô tô bị thương nặng. Qua xác minh, người điều khiển chiếc xe gây tai nạn là Nguyễn Thu Trang (SN 1989, trú tại phố Lò Sũ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều đáng nói là sau khi xảy ra tai nạn, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, lái xe đã vi phạm nồng độ cồn trên 0,7 miligam/1 lít khí thở.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Thực trạng này đồng thời cũng là lời cảnh báo về tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông, nhất là đối với nhóm xe container, xe đầu kéo. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý tai nạn giao thông, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an chia sẻ: Thực tế cho thấy, hiện nay số lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích thường rơi vào nhóm lái xe lớn như: Xe container, xe đầu kéo, xe kéo rơ mooc... Điều này tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao bởi hậu quả tai nạn liên quan đến lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích thường rất nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích
(Ảnh: QĐ)

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong những tháng đầu của quý I/2019, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ yêu cầu tổ chức khám, kiểm tra ma túy trong máu, trong nước tiểu của tất cả các lái xe. Trước tiên tập trung vào xe khách, xe container để phát hiện, ngăn chặn những người sử dụng phương tiện dương tính với ma túy dễ dẫn đến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Nguyễn Văn Thể khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ siết lại đào tạo, sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe đặc thù như container.

Đồng tình với những quan điểm nói trên, dư luận cho rằng, để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy ra, cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ GTVT, Bộ Công an cần phải tăng cường công tác kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông nói chung, và nhóm lái xe container, xe đầu kéo, xe kéo rơ mooc… nói riêng; Đặc biệt là kiểm soát, xử lý tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy… Theo đó, phải quản lý từ gốc, từ đào tạo lái xe, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, cần phải quản lý lái xe về khâu sức khoẻ, thời gian điều khiển phương tiện kéo dài (tối đa không quá 4 tiếng liên tục)…

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những lái xe cố tình điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Đồng thời, cũng cần tăng chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe còn thấp và chưa có tính răn đe cao. Do đó, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính cũng như hình phạt bổ sung đối với hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe là cần thiết nhằm tác động mạnh tới ý thức chấp hành của người tham gia giao thông để hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 đang đến rất gần, đó cũng là thời điểm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến kèm theo nguy cơ lớn về tai nạn giao thông. Cuối năm còn là thời điểm thường diễn ra các hoạt động liên hoan, gặp mặt… nên tình trạng uống rượu, bia chắc chắn sẽ gia tăng. Dư luận mong mỏi cơ quan chức năng sớm triển khai những biện pháp kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông, ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích… để không còn những tai nạn nghiêm trọng, kéo theo sự mất mát đau thương của nhiều gia đình như các vụ tai nạn ở Long An, Hà Nội trong thời gian vừa qua./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực