Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên

Thứ sáu, 02/12/2016 15:30

Tập tục sinh hoạt, thói quen ăn uống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Yên Bái gắn liền với rừng núi. Người dân thường thu hái các loại cây, củ, quả rừng… về làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, hoặc người dân cũng không nhận thức đầy đủ nên nhầm lẫn, dẫn đến ngộ độc. Các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên gia tăng đang trở thành vấn đề cần được cảnh báo. 

Người dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái khám bệnh tại trạm y tế của xã .
Ảnh: Thế Duyệt /TTXVN

Trong các cánh rừng ở Yên Bái có rất nhiều vị thuốc quý, song cũng có hàng trăm loài cây, con khác chưa được các cơ quan y tế thẩm định, kiểm nghiệm. Nhưng bất chấp, nhiều người chỉ nghe đồn đoán, vẫn đào, hái các loại cây, củ, rễ rừng về ăn hoặc ngâm rượu uống nhằm “bồi bổ sức khoẻ” mà không biết rõ các thông tin về chúng. Sức khoẻ chưa thấy đâu, nhưng hậu quả nhãn tiền là các vụ ngộ độc ngày càng gia tăng. 

Những vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên này chủ yếu xảy ra đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do ăn phải nấm độc; lá rừng có lẫn lá ngón; quả hồng châu; thực phẩm được chế biến từ con cóc, măng chế biến không đúng cách, còn chứa độc tố… 

Năm thành viên trong gia đình anh Nông Văn Giang, thôn Chàm, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bị ngộ độc chỉ vì uống thứ nước được đun từ một loại rễ cây mà không ai trong gia đình anh biết đó là rễ cây gì do cha anh Giang đào được trong rừng. 4 người đã may mắn thoát chết, nhưng cha của anh Giang, ông Nông Văn Thượng thì đã mãi mãi không thể tỉnh lại. Do trúng độc quá nặng, mặc dù được sơ cứu tại trạm y tế xã, song ông Thượng đã không thể chờ để được cấp cứu trên đường chuyển lên Trung tâm y tế huyện. 

Còn vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây rừng không rõ nguồn gốc tại thôn Lắc Mường, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái khiến 1 người tử vong và 6 người khác nguy kịch xảy ra đầu năm nay thì vẫn được những người làm công tác truyền thông y tế ở Yên Bái lấy làm ví dụ tại các buổi tuyên truyền, như một bài học đắt giá đối với thái độ chủ quan và thói quen ăn uống bừa bãi của nhiều người. Với niềm tin mơ hồ vào “thần dược của núi rừng”, chủ nhân của bình rượu “thần dược” có chứa độc tố đã phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình. 

Văn Yên là địa bàn miền núi rộng, lại có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều xã cách xa trung tâm huyện, việc tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân gặp nhiều khó khăn. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11 năm nay, trên địa bàn huyện Văn Yên đã xảy ra 5 vụ ngộ độc do uống rượu ngâm cây rừng có lẫn độc tố lá ngón, do ăn phải nấm độc và do độc tố trong thịt cóc. Trong số 24 người bị ngộ độc, 3 người đã tử vong. 

Các vụ ngộ độc do các thực phẩm từ rừng thường xảy ra ở những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn, trong khi các trạm y tế xã lại hầu như không có đủ điều kiện để can thiệp, xử lý. Thêm vào đó, tâm lý của người dân thường chủ quan, tự chữa trị khi mắc bệnh nên các vụ ngộ độc khi phát hiện và được cấp cứu thì độc tố thường đã ngấm sâu, đe dọa tính mạng. 

Ông Đặng Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Văn Yên cho biết, đời sống kinh tế của người dân trong huyện Văn Yên còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, tập quán sinh hoạt nhiều nơi còn lạc hậu. Đặc biệt, một số đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các thôn, bản tại các xã xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn thường hay tự kiếm các loại thực phẩm hoang dại trên rừng, trong vườn nhà để chế biến thực phẩm cho gia đình ăn nhưng lại thiếu kiến thức, nhận thức đầy đủ về chúng dẫn đến ngộ độc. T hói quen sinh hoạt, tập quán này vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Để nâng cao nhận thức của người dân, thời gian qua, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, huyện Văn Yên đã chỉ đạo ngành y tế huyện, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số phổ biến các kiến thức cho bà con để phân biệt các loại nấm độc, cây rừng chứa độc tố nhằm hạn chế các vụ ngộ độc đáng tiếc do các độc tố tự nhiên gây ra. 

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Yên Bái, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm với hàng trăm ca mắc. Trong số đó, có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do các độc tố tự nhiên, xuất phát từ một số loại cây, quả, nấm rừng. Mặc dù đã có nhiều giải pháp trong truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân, song vẫn chưa có nhiều biến chuyển tích cực. Các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên vẫn xảy ra tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những hậu quả đáng tiếc. 

Ông Quản Chí Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Yên Bái cho biết, để thực sự thay đổi nhận thức cho người dân, riêng ngành y tế không đủ sức làm, cần có sự kết hợp chặt chẽ, đồng thời của các ngành khác. Phải có sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền các địa phương, các thôn, bản và phải có trọng tâm, trọng điểm để thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. 

Bên cạnh đó cách thức truyền thông cũng cần thay đổi. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay là phải tuyên truyền, vận động được đến tận các hộ gia đình, đến từng người dân để làm thay đổi nhận thức của họ trong tập quán ăn uống, sinh hoạt. Phải nghiên cứu, tìm cách để cung cấp cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về thông tin những kiến thức để họ có thể phân biệt cơ bản các loại nấm độc, các loại cây, quả, rễ rừng có độc tố thường gặp; những dấu hiệu và cách sơ cứu cho người ngộ độc… Một trong những cách thức hiệu quả có thể xem xét tính đến chính là kết hợp với các cơ quan y tế trường học để phổ biến kiến thức cho học sinh./. 

Đinh Hữu Dư/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực