Cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở khu vực phía Nam

Thứ hai, 17/02/2020 15:38
(ĐCSVN) - Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài tại khu vực Nam Bộ nhiều ngày qua, nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương khu vực này là rất cao.
Một góc Vườn Quốc gia Tràm Chim- tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: K.V) 

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, từ nay đến tháng 3, tháng 4… dự báo tình hình hạn hán gay gắt, nắng nóng xảy ra liên tục khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao. Chính vì thế các địa phương có rừng cần chủ động ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu mùa khô địa phương này đã có kế hoạch và các phương án phòng, chống cháy rừng, trong đó tập trung nạo vét kênh mương trữ nước, chuẩn bị trang thiết bị đầy đủ, bố trí lực lượng giữ rừng trong suốt mùa khô. Hiện nay, vào giai đoạn nắng nóng nên một số diện tích rừng bị khô kiệt, vì vậy lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài và nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh… nên nhiều cánh rừng bị khô kiệt, nguy cơ xảy ra cháy cao. Toàn tỉnh An Giang hiện có khoảng 16.868ha rừng và đất lâm nghiệp gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Tổng diện tích vùng trọng điểm cháy hơn 7.286ha đang ở nguy cơ cấp 4, cấp 5.

Trong số này có 2.912 ha rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn (huyện Tịnh Biên); 50 ha rừng thuộc khu vực Núi Sam (TP.Châu Đốc); cùng hơn 2.550 ha rừng ở vùng đồi núi thuộc khu vực núi Giài, Núi Tượng, Núi Cô Tô, Núi Nam Quy và 1.724 rừng vùng đồng bằng ở rừng Tràm Bình Minh, Lâm trường Tỉnh đội, rừng tràm Tân Tuyến (đều thuộc huyện Tri Tôn); 50 ha rừng ở khu vực Núi Tượng, Núi nhỏ và Núi Sập (huyện Thoại Sơn)...

Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã huy động hàng trăm lực lượng cùng các chủ người, người dân xung quanh... túc trực canh gác, tuần tra, giữ rừng xuyên suốt mùa khô. Tiến hành phát dọn đường băng cản lửa, tích trữ nước để chữa cháy, không cho người lạ vào rừng săn bắt đề phòng nguy cơ cháy...

Để chủ động triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2019-2020, giảm thiểu tối đa số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm sở tại tổ chức lực lượng thường trực tại các chốt, chòi canh trên rừng và thường trực chỉ huy, nhất là các khu vực trọng điểm có khả năng thường xảy ra cháy; kiểm tra các dụng cụ, thiết bị chữa cháy đã được trang bị, tập kết tại các trạm chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời chữa cháy rừng khi cần thiết; đồng thời bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ. 

Đồng thời đề nghị các Hạt Kiểm lâm và chủ rừng tổ chức lực lượng chuyên ngành, lực lượng hợp đồng tuần tra canh lửa thường xuyên tuần tra, canh gác lửa rừng tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, bố trí người trực chòi canh, bố trí lực lượng chốt ở các cửa ngõ ra vào rừng kiểm soát người ra vào rừng; kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch, hộ nhận khoán làm đường băng, dọn vệ sinh trong diện tích quản lý, tổ chức lực lượng bảo vệ, canh gác lửa và thực hiện các quy định về phòng cháy không để xảy ra cháy lan vào rừng...

Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa tỉnh Đồng Nai Nguyễn Minh Tâm cho biết, được thành lập vào năm 2004, Khu bảo tồn là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, giáp với tỉnh Bình Dương và Bình Phước có tổng diện tích tự nhiên trên 100.000 ha (hơn 68.000 ha đất lâm nghiệp và 32.000 ha diện tích hồ Trị An). Xác định công tác phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Khu bảo tồn thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra, chốt trực tại các điểm nóng để xử lý kịp thời khi có tình huống cháy xảy ra. Nhờ vậy đến nay, công tác phòng, chống cháy rừng vào mùa khô vẫn đảm bảo.

Diễn tập phòng chống cháy rừng ở An Giang. (Ảnh: TTXVN) 

...“Chúng tôi đang dồn sức, quyết tâm phòng chống cháy rừng, đảm bảo giữ cho cây rừng và muông thú luôn bình yên” - ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ trong những ngày cao điểm mùa khô năm 2020 với cảnh báo cháy rừng đang ở cấp 5 - cấp rất nguy hiểm. Theo đó, vào thời điểm này, những cánh rừng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đối mặt với sự khô hanh vì nhiều ngày không mưa, các con suối trong rừng đã cạn nước, các hồ chứa nước phòng chống cháy cũng tương tự. Bởi lúc này đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô.

Xác định được tình hình, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động trong tất cả tình huống và sẵn sàng thực thi nhiệm vụ nếu có sự cố xảy ra. Trong đó, lực lượng Kiểm lâm cơ động sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất các trạm, tổ, chốt bảo vệ rừng để nắm tình hình, đồng thời có biện pháp xử lý những trường hợp không nghiêm túc chấp hành nhiệm vụ. Vườn quốc gia Bù Gia Mập có khoảng 1.700 ha lồ ô thuần loài và 16.000 ha rừng lồ ô xen gỗ, rất dễ xảy ra cháy vào mùa khô.

Trong khu vực Vườn có hàng chục Km đường bao ngăn, giáp ranh với các vườn rẫy của người dân vùng đệm. Cùng với đó là đường tuần tra biên giới và quốc lộ 14C đi qua. Những con đường này có nhiều người dân qua lại nên cán bộ, nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập luôn đề cao tinh thần cảnh giác. Với tổng diện tích gần 26 nghìn ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là cánh rừng nguyên sinh lớn nhất tại tỉnh Bình Phước với nhiều loại động - thực vật quý hiếm trong Sách đỏ của thế giới. Với phương châm “4 tại chỗ, 4 sẵn sàng”, công việc phòng, chống cháy rừng tại đây đã được các lực lượng triển khai đồng bộ, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tới tất cả cán bộ, nhân viên, cũng như từng đơn vị trực thuộc để chủ động trong mọi tình huống, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực