Cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở một số tỉnh phía Bắc

Thứ tư, 23/08/2017 15:05
(ĐCSVN) - Theo báo cáo nhanh ngày 23/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ ngày 24/8 đến ngày 26/8, trên thượng lưu sông Hồng - Thái Bình, sông Kỳ Cùng và Lạng Sơn có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 1,5-2,5m.
Lũ quét có khả năng xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái, trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn và trên sông Bằng Giang tại Cao Bằng có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2.

Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, từ ngày 24-28/8, sạt lở đất và lũ quét có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Bình Gia, Văn Lãng, Tràng Định, Cao Lộc, Văn Quan (Lạng Sơn); Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Bảo Lâm, Hạ Lang, Trà Lĩnh (Cao Bằng); Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hoành Bồ (Quảng Ninh); Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường (Lai Châu); Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Vân Hồ (Sơn La); Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng (Điện Biên); Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Bảo Yên (Lào Cai); Yên Bình, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên (Yên Bái); Quản Bạ, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang); Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang); Ba Bể, Ngân Sơn (Bắc Cạn).

Về tình hình điều hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, hiện nay, hồ Thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy; các hồ: Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà đóng tất cả các cửa xả đáy. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 44/CĐ-TW ngày 22/8/2017 lệnh các Công ty Thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La và mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 13h00 ngày 23/8/2017.   

Về thiệt hại do thiên tai ở miền Nam, theo báo cáo nhanh số 54/BC-VP ngày 22/8/2017 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, vào khoảng 22h ngày 20/8/2017 tại ấp Xóm Tắc, xã Tân Thuận xảy ra 1 vụ sạt lở đất với chiều dài khoảng 22m, chiều rộng khoảng 11m, làm sụp hoàn toàn 2 căn nhà của 2 hộ dân và hư hỏng một số tài sản. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.

Để ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 43/CĐ-TW hồi 14h15 ngày 22/8/2017 gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh miền núi phía Bắc và các Bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6 và mưa lũ sau bão. Bộ Y tế có Công điện số 915/CĐ-BYT hồi 9h ngày 22/8/2017 gửi Sở Y tế các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các tỉnh miền núi phía Bắc; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung và Nam Trung Bộ đề nghị triển khai công tác y tế ứng phó khẩn cấp với bão. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã thông báo đến Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên về diễn biến cơn bão số 6 để chủ động các phương án ứng phó.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sẵn sàng các phương án ứng phó với bão, mưa lũ sau bão và tác động của việc xả lũ hồ chứa.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ sau bão, trong đó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh/thành phố Điện Biên, Tuyên Quang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng đã có công điện, thông báo chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương.

Các tỉnh, thành phố hạ du các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng tổ chức triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa.

Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai thực hiện công điện số 37/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với diễn biến lũ, trong đó có 9/13 tỉnh, thành phố đã ban hành các công văn chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Công điện (Long An, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ); riêng Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng chuyển tiếp Công điện cho các huyện, thị để triển khai thực hiện.

Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Đối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng: chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo, trên các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất. Các tỉnh miền núi phía Bắc: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang triển khai phương án ứng phó với gió mạnh do ảnh hưởng của bão.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố hạ du các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng tiếp tục triển khai các nội dung thông báo số 363/TWPCTT-VP ngày 22/8/2017.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của cơn bão số 6, tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, việc xả lũ hồ chứa, công tác điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực