Chống hạn, mặn cho cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 29/09/2020 15:32
(ĐCSVN) - Lường trước được những khó khăn, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ vườn cây ăn quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
leftcenterrightdel
ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực.

Thuận lợi và khó khăn

Năm 2019 giá trị xuất khẩu rau quả Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 3,747 tỷ USD; giá trị nhập khẩu 1,778 tỷ USD; xuất siêu đạt gẩn 2 tỷ USD.  Giai đoạn từ năm 2010 đến 2019: giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,747 tỷ USD, tăng 3,287 tỷ USD so với năm 2010; giá trị nhập khẩu 1,778 tỷ USD, tăng 1,400 tỷ USD so với năm 2010; xuất siêu 1,969 tỷ USD, tăng 1,847 tỷ USD so với năm 2010.

Những năm gần đây, năng suất, sản lượng các loại quả ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển chọn sử dụng giống mới, đặc biệt là xoài, chôm chôm, dứa, chuối, cam, bưởi. Ngoài ra, chủng loại cây ăn quả của vùng cũng khá phong phú, nhiều loại cây ăn quả được tuyển chọn như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri6, bưởi da xanh,...

Về sản lượng Thanh long tăng gấp 20 lần (hơn 500 nghìn tấn), bưởi tăng 0,5 lần (gần 100 nghìn tấn), sầu riêng tăng 5 lần (khoảng 300 nghìn tấn), riêng xoài dù diện tích tăng ít nhưng sản lượng tăng thêm (khoảng 200 nghìn tấn do tăng cường thâm canh) đây là chủng loại có thị trường tiêu thụ mạnh cả trong nước và xuất khẩu với giá cao và tương đối ổn định.

Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung; khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại quả như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán và xâm nhập mặn những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn sản xuất cây ăn quả tại các tỉnh, thành ĐBSCL.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL.

Hiện nay, diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 25,12 nghìn ha (gồm: Long An 2,49 nghìn ha, Tiền Giang 6,99 nghìn ha, Bến Tre 13,47 nghìn ha, Vĩnh Long 1,81 nghìn ha, Trà Vinh 0,27 nghìn ha, Sóc Trăng 0,06 nghìn ha).Trong đó thiệt hại mất trắng (thiệt hại trên 70%) khoảng 11.181 ha (gồm: Long An 702 ha, Tiền Giang 3.909 ha, Bến Tre 5.448 ha, Vĩnh Long 862 ha, Trà Vinh 241 ha, Sóc Trăng 19 ha). Diện tích bị thiệt hại chủ yếu là giảm năng suất do ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn.

Nguyên nhân chủ yếu cây ăn quả bị chết sau hạn, mặn là do tình hình khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt tưới, một số nơi không thể vận chuyển nước hoặc nước hỗ trợ dẫn đến đất khô không đủ ẩm; đất bị xì phèn, nước nhiễm phèn. Ngoài ra, nước mặn xâm nhập rò rỉ mặn vào mương vườn ảnh hưởng nghiêm trọng trên những vườn không có đê bao khép kín. Đặc biệt do ý thức của một bộ phận người dân trước tình hình xâm nhập mặn còn nhiều hạn chế, chủ quan nên chưa thật sự chủ động trong công tác phối hợp ứng phó cùng với chính quyền địa phương, bà con nông dân không chủ động trữ nước ngọt để tưới cây trước khi có mặn, dẫn đến không đủ nước để tưới, còn nhiều nhà vườn chưa thực hiện việc tủ gốc giữ ẩm cho cây, trong lúc hạn, mặn kéo dài nông dân vẫn còn để nhiều trái trên cây dẫn đến cây bị suy kiệt nhanh và chết.

Lường trước được những khó khăn đó, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân các tỉnh ĐBSCL đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ vườn cây ăn quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Giải pháp phòng chống hạn, mặn đối với cây ăn quả

Về giải pháp trước mắt, đại diện lãnh đạo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần cập nhật liên tục hằng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước tại các vùng trồng cây ăn trái để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước tưới, không tưới nước có độ mặn trên 1 phần nghìn cho cây. Người dân cần chủ động thực hiện tích trữ nước ngọt thông qua hệ thống cống đập, bờ kè, các hồ kênh mương dự trữ nước ngọt. Bên cạnh đó, chủ động che phủ đất trong mùa khô bằng các vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình...) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, khi bị nhiễm mặn nên bón bổ sung phân sulphate kali (K2SO4), vôi bột lượng 500 - 1.000 kg/ha…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, về giải pháp lâu dài phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi song song với việc phát triển cây ăn quả của địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ cho từng vùng sản xuất cây ăn quả dưới các mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn khác nhau.

Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các kỹ thuật thiết kế vườn cây ăn quả phù hợp với điều kiện canh tác của vùng ĐBSCL, từng bước tiến hành cải tạo vườn theo hướng thích ứng với tình hình cung cấp nguồn nước và phát triển vùng trồng; đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi vùng trồng cây ăn quả và lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước để kịp thời cung cấp thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn.

Quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm giúp người dân nắm bắt các thông tin diễn biến xâm nhập mặn được kịp thời.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Thiện Pháp, nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang thiệt hại do xâm nhập mặn lớn, ảnh hưởng tới đời sống người dân phía đông của tỉnh.  Do đó, năm 2020 tỉnh sớm có cam kết về công tác phòng chống ngập mặn, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp rà soát phương án lấy kịch bản năm 2020 làm phương pháp ứng phó cho 2021 và các giai đoạn về sau. Rút bài học kinh nghiệm năm 2020, những năm tiếp theo tỉnh tập trung làm tốt công tác ngăn mặn, trữ nước ngọt. Bởi hạn mặn xâm nhập sớm và duy trì lâu. Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa sang vườn cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, do vậy đòi hỏi thời gian sử dụng nước ngọt dài.  Chính vì lẽ đó,  làm tốt công tác ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt là biện pháp hiệu quả cho công tác phòng chống ngập mặn.

Ông Nguyễn Thiện Pháp nhấn mạnh, mặn xâm nhập sâu địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng 80 nghìn ha diện tích vườn cây ăn trái tập trung phía tây của tỉnh. Đáng chú ý là đặc điểm cây ăn trái phải đảm bảo liên tục nguồn nước ngọt. Do đó, mùa hạn mặn, ngành Nông nghiệp khuyến cáo không nên xử lý ra hoa hay xử lý nghịch mùa. Bên cạnh đó, phải rà soát dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh, dự án nào làm tốt ngăn mặn rồi thì phải có công trình dẫn nước về để cung cấp cho dự án đó. Và đặc biệt, so năm 2016 dùng ô bao kiểm soát lũ ngăn được mặn, đối với năm 2020 lượng nước trong vùng khép kín không đủ, vì vậy giải pháp hiện nay phải tiến hành ngăn mặn 2 lớp. Nếu mặn xâm nhập bình thường dùng ô bao lớp 1, mặn lớn dùng ô bao lớp 2. Đây vừa đảm bảo nguồn nước ngọt trong ô bao, đảm bảo được nguồn nước ngọt bổ sung trong mùa mặn.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, chú ý nâng cao chất lượng đầu tư thêm hệ thống công trình bảo vệ kiểm soát mặn, gia cố hồ bao các hệ thống điều tiết; phối hợp người dân theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm sẽ tăng cường được trữ nước, tích nước cục bộ để có khả năng phòng thủ kiểm soát mặn nhiều tầng hiệu quả cao hơn; đẩy mạnh hoạt động phi công trình, công tác dự báo, công tác kiểm soát mặn nội đồng làm chặt chẽ hơn nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại cho người dân; chuyển đổi một số cơ cấu cây trồng, đối vùng trồng cây ăn trái đặc sản, bởi hệ thống bảo vệ mặn chưa đảm bảo hoặc nằm ở ngoài hệ thống đê, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng thích hợp hơn với điều kiện nhiễm mặn. Trên hết, phải tăng cường công tác tuyên truyền giúp cộng đồng xã hội tham gia vào cuộc, chung tay chống mặn. /.

Bài, ảnh: Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực