Chủ động ứng phó bão số 3

Thứ tư, 18/07/2018 15:19
(ĐCSVN ) - Theo Văn phòng Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, với dự báo đêm nay (18/7) bão số 3 sẽ đổ bộ vào nước ta, để chủ động ứng phó với cơn bão, các ngành, đơn vị cần duy trì thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó với cơn bão.

Sáng 18/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp tại Hà Nội ứng phó với bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền nước ta.

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: BT)

Theo ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, bão số 3 đang nằm ngay trên đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Nghệ An 400km, cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 340km. Bão số 3 di chuyển với tốc độ từ 30-35km/giờ; dự báo trong khoảng chiều tối nay (18/7), bão sẽ tiếp cận bờ biển Nghệ An, Hà Tĩnh.

Hiện nay, cấp gió ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 và giữ cấp 8 khi đến gần vịnh Bắc Bộ và vào bờ; hướng di chuyển của bão chủ yếu theo hướng Tây. Vùng gió mạnh nằm ở phía Bắc cơn bão, riêng vùng ven biển gió mạnh cấp 8, vùng đất liền gió mạnh từ cấp 6 đến cấp 7.

Về tình hình mưa, ông Hoàng Đức Cường cho biết, trọng điểm một số địa phương có lượng mưa lớn, kéo dài đến ngày 20/7 như ở Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi lượng mưa đến 400mm; khu vực miền núi phía Bắc có lượng mưa từ 100-200mm.

Theo Văn phòng Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, với dự báo đêm nay cơn bão sẽ đổ bộ vào nước ta, để chủ động ứng phó với cơn bão, đề nghị các ngành, đơn vị cần duy trì thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó với cơn bão. Lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm đếm tàu thuyền, nắm chắc về tàu vận tải, tàu du lịch kịp thời thông báo phòng tránh cơn bão.

Cùng với đó, sơ tán người dân tại các lồng bè, chòi canh; lực lượng quân đội bố trí xuồng, ca nô phối hợp với địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, với các tàu thuyền còn ở trong khu vực nguy hiểm (hiện nay còn khoảng 4 tàu của Thái Bình và Hà Tĩnh), cần kiên quyết kêu gọi vào bờ neo đậu trước 12h trưa hôm nay; các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, tổ chức sắp xếp neo đậu các tàu an toàn. Đồng thời, có phương án chống mưa lũ, đảm bảo lương thực thực phẩm đối với khu vực có khả năng bị mưa lũ chia cắt.

Bên cạnh đó, trước tình hình khoảng gần 60.000ha diện tích lúa bị ngập do ảnh hưởng của mưa lớn, trong đó, riêng tỉnh Nam Định diện tích ngập 27.000ha, hiện nay, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng phối hợp với địa phương đang tiến hành tiêu úng; Cục Trồng trọt đã có hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương trước và sau cơn bão. Tuy nhiên, với nhận định tình hình mưa lớn vẫn tiếp diễn, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cử đoàn công tác đi đánh giá, chỉ đạo tháo gỡ tình hình ngập úng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để sẵn sàng ứng phó bão số 3, với các tàu thuyền cần kiểm tra lại toàn bộ nơi trú tránh; chú ý tới công tác cứu hộ, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố. Cùng với đó, trên đất liền, cần đề phòng sạt trượt, kiểm tra lại các đoạn đê, kè, chỉ đạo phối hợp với các địa phương kiểm tra các địa điểm xung yếu. Với các hồ chứa, cần kiểm tra lại các hồ có nguy cơ cao cùng với hai hồ lớn là hồ Hòa Bình và Sơn La.

Đặc biệt, cần duy trì chế độ trực ban nghiêm túc, tham gia có trách nhiệm với các nhiệm vụ liên quan. Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần duy trì, hỗ trợ về nguồn điện để phục vụ cho công tác sản xuất nông nghiệp./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực