Cơ bản khắc phục tình trạng lao động bỏ việc sau Tết

Thứ tư, 03/03/2010 16:01

  
                 Ảnh minh hoạ: Internet 
Thông thường sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán cũng là thời điểm thị trường lao động nhộn nhịp, khi mà các doanh nghiệp đều có nhu cầu nhân lực để hoàn thành các đơn hàng, hợp đồng đã ký kết. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động tuyển lựa lao động mới, thì việc chủ động áp dụng những biện pháp ổn định nguồn lao động cũ cũng là một trong những việc làm rất quan trọng trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Lao động - Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện vẫn chưa có báo cáo chi tiết về tình hình lao động của các doanh nghiệp sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán trên toàn quốc. Ghi nhận của phóng viên báo chí từ một số địa phương và khu công nghiệp (KCN) lớn cho thấy, tình trạng lao động bỏ việc sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã cơ bản được khắc phục so với những năm trước.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ lệ lao động làm việc trở lại chỉ ở mức 70 - 80 %. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho rằng có một số nguyên nhân khiến người lao động chưa kịp trở lại làm việc như: do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn; một bộ phận tìm được việc ở quê; mức lương “hứa hẹn” mà các doanh nghiệp đưa ra chưa thu hút người lao động trong khi giá cả tăng cao.

Chia sẻ nỗi lo lắng của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Thắng, Trưởng Phòng Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang) cho biết: Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này cũng đang gặp khó khăn về tuyển dụng lao động, thiếu hụt lao động để duy trì hoạt động và hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Qua khảo sát 30 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại Bắc Giang, có khoảng gần 10% lao động đang làm việc đã tự ý nghỉ việc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Tại thành phố Hải Phòng. sau ngày nghỉ Tết, khoảng 1.000 công nhân ở các tỉnh ngoài chưa trở lại làm việc khiến nhiều cơ sở sản xuất, đặc biệt là ngành giầy dép, dệt may thiếu lao động, ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch thực hiện hợp đồng với các đối tác.

Thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp có tỷ lệ người lao động không quay trở lại làm việc cao nhất thuộc lĩnh vực may mặc - công việc mang tính chất gò bó, thời gian làm việc nhiều nhưng tiền lương thực tế lại không cao. Bên cạnh đó, việc xuất hiện các KCN tại địa phương cũng hút người lao động tìm kiếm việc làm ngay trên quê hương thay vì trở lại chỗ làm cũ. Các lao động tay nghề cao cũng từ chối trở lại làm việc nếu tìm được những nơi làm việc mới có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều nơi lượng lao động trở lại làm việc sau Tết vẫn ổn định. Điển hình là tại Huế, đến ngày 27/2, 100% công nhân các KCN trở lại làm việc sau Tết, trong đó tại KCN Phú Bài là 5.400 lao động, KCN Phong Điền là 1.400 lao động... Tình hình lao động sau Tết tại tỉnh Nam Định cũng không có nhiều biến động với gần 100% lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã đi làm việc trở lại theo đúng quy định. Tại Đồng Nai, đến ngày 1/3, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động bình thường sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2010 với số lao động trở lại làm việc đạt hơn 95%, trong đó chỉ khoảng 1,9% số lao động bỏ việc, chiếm tỷ lệ thấp nhất về số lao động bỏ việc sau Tết trong nhiều năm qua. Cùng đó, hơn 16 ngàn lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh Hà Nam cũng đã trở lại làm việc, không xảy ra hiện tượng lao động nghỉ việc với số lượng lớn mà chỉ có các trường hợp lao động di chuyển giữa các doanh nghiệp. Một số KCN của tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa có nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương khá lớn nhưng không vì lý do lao động bỏ việc sau Tết mà là do yêu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đặc điểm chung nhất tại các doanh nghiệp, địa phương giữ chân được người lao động sau ngày nghỉ Tết là đảm bảo chế độ tiền lương, thưởng Tết cũng như cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, chỗ ở cho người lao động; hỗ trợ thêm đời sống công nhân như tăng định xuất ăn ca... giúp cho người lao động an tâm làm việc trong môi trường doanh nghiệp quen thuộc của mình./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực