Cơ cấu dân số vàng của Việt Nam - Cơ hội và thách thức

Thứ năm, 03/06/2010 17:00

 

 Ảnh VA

(ĐCSVN)- Đó là chủ đề cuộc hội thảo do Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội, ngày 3/6. Vận hội do cơ cấu “vàng” mang lại là lao động nhiều, phụ thuộc ít, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính điều đó cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức...

Với những lợi thế của cơ cấu dân số hiện nay, mỗi năm nước ta bổ sung thêm khoảng 1,5 triệu người vào đội ngũ những người tham gia lao động. Đây là nguồn lực dồi dào về trí tuệ và sức lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Để tận dụng những lợi thế của cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học LĐ và XH (Bộ LĐ-TBXH) thì các chính sách về thị trường lao động có vai trò rất quan trọng trong việc tái phân phối lao động, hỗ trợ dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề, kỹ năng, địa điểm để đạt được mục tiêu tăng trưởng hiệu quả và phát triển bền vững. Dự báo, đến cuối giai đoạn 2018-2020 việc chuyển dịch cơ cấu lao động cần phải được thực hiện dựa trên việc tăng năng suất lao động. Do vậy, các chính sách về tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách về giáo dục, đào tạo phải được chú trọng hơn và hiệu quả hơn.

Cùng quan điểm trên, TS.Nguyễn Hồng Thuận, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Yêu cầu phát triển kinh tế trong thập niên tới không chỉ đòi hỏi số lượng mà còn đòi hỏi chất lượng cao của nguồn nhân lực. Để tiếp tục tăng trưởng vượt qua ngưỡng các nước có thu nhập thấp, Việt Nam cần phải cấu trúc lại nền kinh tế, phát triển các loại sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Quá trình này đòi hỏi đất nước phải có đủ nhân lực có trình độ. Và để tận dụng “cơ hội vàng” về nguồn nhân lực con người, giáo dục và đào tạo Việt Nam càng trở nên có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Điều nay đòi hỏi giáo dục phải có chiến lược phát triển đúng hướng, hợp quy luật, xu thế và xứng tầm thời đại.

Đề cập đến những kinh nghiệm một số nước tận dụng cơ hội và ứng phó với thách thức về “cơ cấu dân số vàng”, TS.Giang Thanh Long, trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Mặc dù có xuất phát điểm về thu nhập bình quân đầu người tương đương nhưng có những nước thành công một cách thần kỳ về tăng trưởng và phát triển kinh tế với việc tận dụng tốt các nguồn lực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, trong khi đó có những nước lại chưa tận dụng được cơ hội dân số và có thể “mắc bẫy thu nhập trung bình” như Thái Lan, thậm chí đối mặt với nguy cơ tụt hậu do những bất ổn nội tại nền kinh tế như Inđônêxia và Philipin.

Do đó, TS.Giang Thanh Long cho rằng đối với dân số trong độ tuổi lao động – dân số sẽ tăng nhanh trong hai thập kỷ tới – việc tạo cơ hội việc làm ở tất cả các ngành, khu vực và vùng kinh tế là hết sức quan trọng. Đầu tư công cần chú trọng hơn nữa đến dân cư nông thôn nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp và điều này đòi hỏi phải có chương trình đào tạo nghề theo nhu cầu. Đặc biệt với nữ giới trong độ tuổi lao động, cần chú trọng hơn nữa các chương trình và chính sách giáo dục, dịch vụ sức khỏe sinh sản.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực