Công bố gia nhập Công ước số 98 của ILO

Thứ hai, 06/07/2020 17:14
(ĐCSVN) - Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế gồm 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
leftcenterrightdel

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: MD)

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo công bố gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tham vấn dự thảo Kế hoạch thực hiện Công ước số 98.

Công ước số 98 của ILO có 16 điều, gồm 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí. Tháng 6/2020, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98.

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế-xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, cùng với việc gia nhập Công ước 98, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021.

Về cơ bản, các tiêu chuẩn Công ước 98 đã được luật hóa trong Bộ Luật Lao động 2019. Bộ Luật Lao động mới đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng để đáp ứng tiêu chuẩn của Công ước 98: Thứ nhất là về quyền tập thể của tổ chức đại diện người lao động trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện của người lao động đã luật hóa; thứ hai là đã luật hóa về bảo đảm nguyên tắc thương lượng tập thể tự nguyện thiện trí; thứ ba, đã bảo vệ người lao động, cán bộ tổ chức đại diện của người lao động không bị phân biệt đối xử bởi người sử dụng lao động; thứ tư là bảo vệ tổ chức đại diện của người lao động không bị can thiệp thao túng bởi người sử dụng lao động và thứ năm là bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp lao động nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.

“Đây là năm nguyên tắc để đảm bảo thực thi Công ước 98 đã luật hóa trong Bộ Luật Lao động sửa đổi,” Thứ trưởng Lê Quân cho hay.

Để thực hiện có hiệu quả Công ước số 98 trên thực tế, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 98; nghiên cứu, xây dựng các mô hình quan hệ lao động khả thi và hiệu quả trên cơ sở thương lượng tập thể được thúc đẩy thực hiện một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho các bên liên quan đến thương lượng tập thể; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ cho công tác thương lượng tập thể đạt hiệu quả.

Tại Hội thảo, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang - Hee Lee cho biết, Công ước số 98 là một trong 8 công ước cốt lõi của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc cơ bản trong lao động. Tất cả các quốc gia thành viên ILO có nghĩa vụ tôn trọng và áp dụng các nguyên tắc được đề cập trong Tuyên bố 1998.

Theo ông Chang - Hee Lee, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc gia nhập Công ước 98 có ý nghĩa quan trọng trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý, kinh tế - xã hội. "Thời gian qua, Việt Nam đã luật hóa nhiều quy định trong các công ước của ILO. Đó là kết quả của sự hợp tác trong nhiều năm qua giữa Chính phủ Việt Nam và ILO. Với việc tham gia Công ước số 98, Việt Nam tiếp tục tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế", ông Chang - Hee Lee đánh giá, đồng thời cam kết ILO sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước số 98./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực