"Cú hích" giúp thoát nghèo

Thứ sáu, 08/01/2010 20:32

  

Vốn ngân hàng chính sách xã hội đầu tư vào làng nghề dệt chiếu xã An Cư (huyện Tuy An) -Ảnh:Q.THUẦN 

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, đã có hàng trăm ngàn hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Yên có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình. Nguồn vốn này thực sự là “cú hích” để họ thoát nghèo...

Đẩy mạnh đầu tư vốn

Xác định việc triển khai thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên đã chỉ đạo phòng giao dịch chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh lập kế hoạch cụ thể, tập trung nguồn lực triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, đối tượng chính sách mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên, cho biết: Giải pháp ưu tiên hàng đầu để thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi là lồng ghép công tác giải ngân vốn vào các dự án, mô hình hoạt động của các tổ chức hội đoàn thể. Đến nay, chi nhánh đã triển khai cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đạt 976 tỉ đồng với trên 104.000 khách hàng vay vốn, tăng 225 tỉ so với năm 2008. Để chuyển tải nguồn vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng trong diện được thụ hưởng, ngân hàng đã thực hiện ủy thác bán phần thông qua bốn tổ chức hội đoàn thể, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, sắp xếp lại các tổ tiết kiệm - vay vốn và đổi sổ vay vốn cho tất cả hộ vay.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh thành lập 2.316 tổ tiết kiệm – vay vốn hoạt động tại 100% thôn, buôn. Trong đó, Hội Phụ nữ có 1.172 tổ, Hội Nông dân 787 tổ, Hội Cựu chiến binh 257 tổ và Đoàn Thanh niên 100 tổ.

Ông Phạm Thạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của hội viên, nông dân là thiếu vốn, thiếu kiến thức. Thời gian qua, các cấp Hội đã triển khai nhiều dự án, mô hình lồng ghép giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, trong đó, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm tỉ trọng lớn. Tuy mức vay chỉ từ 8 – 20 triệu đồng/hộ, nhưng là “cần câu” giúp hàng ngàn hội viên thoát nghèo. Hiện trên 80% nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi tập trung đầu tư khu vực nông thôn, miền núi. Ngoài đầu tư phát triển kinh tế hộ, nguồn vốn còn đầu tư vào các dự án phát triển làng nghề truyền thống như bó chổi đót xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), dệt chiếu xã An Cư, đan thúng chai xã An Định (huyện Tuy An), trồng dâu nuôi tằm xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa)… Việc cho vay theo dự án đã khắc phục tình trạng cho vay tản mát, tạo thành vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung.

Cuộc sống người nghèo được cải thiện

Cách đây 5 năm, gia đình ông Nguyễn Thành Nhơn ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) thuộc diện hộ nghèo quanh năm đi làm thuê đổi gạo sống qua ngày. Từ năm 2005, ông được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp vay 10 triệu đồng để nuôi tôm hùm. Đến nay, không chỉ thoát được nghèo, xây ngôi nhà ngói khang trang mà ông còn tích lũy ít vốn để mở rộng quy mô nuôi tôm. Ông Nhơn hồ hởi cho biết: Vợ chồng tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhờ nguồn vay của Nhà nước mà bây giờ có vốn “lận lưng”.

Hộ ông Trần Ngọc Thanh ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) được tiếp cận nguồn vốn hộ nghèo từ năm 2007 để phát triển nghề bánh tráng và chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông Thanh đang cùng lúc tiếp cận ba chương trình tín dụng ưu đãi, gồm: cho học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và hộ nghèo. Hiện hai con của ông đang học cao đẳng và đại học tại TP Hồ Chí Minh. Ông Thanh cho biết: “Nhờ nguồn vốn lãi suất thấp của ngân hàng mà gia đình có khoản thu nhập kha khá, con cái được ăn học đến nơi đến chốn”. Không chỉ hộ ông Thanh, tại huyện Đông Hòa, trong năm 2009 có 1.020 hộ vượt nghèo, trong đó có trên 80% số hộ thoát nghèo từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách. Hòa Hiệp Nam là xã có số hộ thoát nghèo nhiều nhất huyện với 218 hộ.

Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng những hộ nghèo và đối tượng chính sách thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi đã phần nào được an ủi, tạo động lực khơi dậy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh. Đại diện Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên cho biết, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được triển khai rộng khắp đến các cấp Hội trên địa bàn tỉnh. Vốn từ các “kênh” khác nhau đã giúp cho hàng ngàn hộ phụ nữ có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Riêng nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 546 tỉ đồng, với 1.172 hộ còn dư nợ, thực sự là nguồn “trợ sức” để giảm tỉ lệ hộ nghèo trong các cấp hội. Ông Đào Tấn Nguyên cho biết, năm 2010, chi nhánh sẽ kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung nguồn vốn, đẩy mạnh công tác thu hồi vốn đến hạn để tiếp tục thực hiện việc “dẫn” vốn đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực