Cuộc sống mới nơi “cổng trời” Mường Lát

Thứ tư, 02/09/2020 08:57
(ĐCSVN) - Những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) còn đề ra nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa nơi đơn vị đóng quân cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cho đồng bào. Mường Lát cũng đang “thay da đổi thịt” nhờ một phần từ sự hỗ trợ này.

Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa có gần 50% hộ nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường sống chưa được người dân quan tâm. Bên cạnh đó, tình trạng phát rừng làm rẫy tác động xấu đến môi trường sống và ô nhiễm môi trường diễn ra hết sức phức tạp, kéo theo hệ lụy ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân, gây ra lũ lụt... Tuy nhiên, trong chuyến công tác trở lại Mường Lát mới đây, đi đến các bản làng trong vùng dự án, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ về môi trường sống của đồng bào. Bên cạnh những khu rừng xoan, keo lá tràm… bạt ngàn màu xanh; các bản làng bừng sáng lên sức sống mới, xuất hiện những tuyến đường bê tông phẳng lỳ uốn lượn theo các triền đồi đến tận cổng nhà dân; đi vào các gia đình hầu hết đều có công trình nước sạch; khu vệ sinh và khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm cách xa khu vực nhà ở.

Hướng dẫn bà con bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh kỹ thuật trồng cây ngô chất lượng cao,

góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Dẫn chúng tôi đi thăm bản làng, ông Hà Văn Hòa, Trưởng bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn chia sẻ: “Ngày trước do cuộc sống đói khổ nên đồng bào chúng tôi phải phá rừng làm rẫy; kiếm cái ăn từ rừng và khi cái bụng chưa no thì không ai nghĩ đến bảo vệ môi trường. Cùng với đó, do thói quen, nếp sống ăn ở đơn giản nên khi bộ đội Đoàn KT-QP5 tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống mới, ăn ở vệ sinh khoa học, bà con vẫn không nghe theo. Khi bộ đội Đoàn 5 phân tích cho bà con hiểu nguyên nhân xảy ra lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh, ốm đau một phần xuất phát từ việc phát rừng làm nương rẫy ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và do môi trường ô nhiễm, bà con mới hiểu được phần nào. Sau gần 10 năm, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội Đoàn 5 không chỉ giúp đồng bào giảm bớt dịch bệnh, ốm đau mà nguồn thu từ việc trồng rừng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với địa phương”.

 Không chỉ bản Piềng Mòn mà đi đến các bản đồng bào người H’Mông, Khơ Mú… trong Khu KT-QP Mường Lát, chúng tôi đều chứng kiến những công trình vệ sinh từ các dự án và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ đội Đoàn 5. Vào thăm gia đình ông Hà Văn Bái ở thôn Piềng Tặt, xã Mường Chanh, rót cốc nước từ chiếc máy lọc nước mời khách, ông hồ hởi khoe với chúng tôi: “Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội Đoàn 5, việc ăn ở, giữ gìn vệ sinh khoa học nên bà con ta giờ ít ốm đau rồi”. Trong câu chuyện với ông Bái, chúng tôi được biết từ ngày được Đoàn 5 tuyên truyền không đốt rừng làm rẫy và được hỗ trợ cây giống, phân bón trồng rừng không những giảm bớt thiên tai lũ lụt mà số tiền từ thu hoạch rừng gia đình ông và nhiều hộ dân trong bản còn sắm được nhiều vật dụng hữu ích phục vụ cuộc sống. Gia súc, gia cầm được nuôi nhốt vừa giảm dịch bệnh, ốm đau vừa đảm bảo môi trường, vừa dùng làm phân bón cho cây trồng, góp phần gia tăng sản lượng.

 Theo Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn KT-QP5 cho biết, cùng với nhiệm vụ giúp nhân dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo; củng cố thế trận quốc phòng – an ninh thì việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, bảo vệ môi trường sống là hết sức cần thiết. Bởi khi sức khỏe bảo đảm người dân mới tích cực thực hiện các dự án, phát triển kinh tế và góp phần tham gia bảo vệ biên cương Tổ quốc. Do vậy, công tác bảo vệ môi trường, chăm lo sức khỏe cho đồng bào luôn được Đảng ủy, chỉ huy Đoàn thường xuyên quan tâm.

 Để nhiệm vụ đạt hiệu quả và thường xuyên, liên tục, những năm qua Đoàn KT-QP5 đã phát động nhiều phong trào hỗ trợ đồng bào thực hiện nếp sống mới như xây dựng nhà vệ sinh; làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực nhà ở; xây bể nước và làm đường ống dẫn nước sạch phục vụ nhân dân… được các Đội sản xuất và cơ quan trong toàn đơn vị tích cực hưởng ứng và có nhiều cách làm hiệu quả. Cụ thế như, các đội sản xuất phân công mỗi cán bộ, nhân viên trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ 5 – 6 hộ gia đình trên địa bàn quản lý về thực hiện nếp sống mới; trích quỹ vốn mua xi măng, cát, sỏi về đổ gạch táp lô, giúp bà con ngày công xây dựng nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc… Định kỳ hàng quý, Đoàn đều tổ chức các chiến dịch phối hợp với bà con thôn bản vệ sinh khơi thông cống rãnh, phát quang môi trường; hàng tháng quân y đơn vị phối hợp với y tá thôn bản vệ sinh môi trường, tẩm màn, phun hóa chất phòng bệnh cho đồng bào...

 Theo số liệu thống kê trong hơn 5 năm qua, từ (2015 - 2020), Đoàn KT – QP5 đã ươm và cấp cho nhân dân trong vùng dự án 3,9 triệu cây giống các loại; trồng mới gần 250 ha và bảo vệ 5.123 ha rừng tự nhiên; xây dựng 7 công trình nước sinh hoạt cấp cho bà con. Cán bộ, nhân viên và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện đơn vị đã tổ chức hàng trăm buổi tuyền truyền cho bà con nhân dân về thực hiện nếp sống mới.

 “Cuộc sống đồng bào các xã trong Khu KT-QP Mường Lát hôm nay không còn đói nghèo như xưa, vệ sinh môi trường, sức khỏe luôn bảo đảm có một phần rất lớn từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội Đoàn 5. Điều quan trọng không chỉ được thụ hưởng những công trình, dự án góp phần nâng cao đời sống mà thông qua việc tuyên truyền, hỗ trợ của bộ đội Đoàn 5 đến nay nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống ăn ở vệ sinh khoa học luôn được bà con chú trọng. Nhờ vậy, đã góp phần hạn chế thiên tai lũ lụt và dịch bệnh, sức khỏe người dân từng bước được nâng lên” – đồng chí Phạm Bá Điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Lát khẳng định./.                                                              

Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực