Cứu dân từ mệnh lệnh trái tim ​

Thứ hai, 16/10/2017 15:10
(ĐCSVN) - Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, những ngày qua, miền Trung lại ngập chìm trong đợt lũ. Trong gian khó, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã sát cánh cùng nhân dân, dầm mình trong mưa lũ, lao vào những nơi hiểm nguy để giúp dân được an toàn, tô thắm tình quân dân cao đẹp.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 cùng các lực lượng khắc phục lỗ hổng thân đê sông Cầu Chày
tại xã Xuân Minh, Thọ Xuân. Ảnh: Ngọc Thăng

Trước ảnh hưởng nặng nề của tình hình mưa lũ, để ứng phó kịp thời và hiệu quả, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức lực lượng và phương tiện cơ động đến các địa bàn ứng cứu nhân dân. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân khu đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại tỉnh Thanh Hóa, do Thiếu tướng Hà Tân Tiến - Phó tư lệnh Quân khu phụ trách để điều hành công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.

Chiều 11/10/2017, chúng tôi có mặt tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lúc này, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 đang tích cực giúp các hộ dân trong xã di dời khỏi vùng ngập úng và tích cực gia cố thân đê, chống tràn đê. Trong bộ quân phục ướt đẫm nước mưa, Trung tá Hoàng Viết Lợi - Chính ủy Trung đoàn 3 cho biết: “Với tinh thần “Cứu dân từ mệnh lệnh từ trái tim”, trong điều kiện trời mưa to, nước chảy xiết, nguy cơ vỡ đê rất cao, chúng tôi đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để nhanh chóng đưa người và tài sản của bà con nhân dân đến nơi an toàn. Chúng tôi xác định “Làm đến đâu phải đảm bảo nhanh, an toàn, chắc chắn đến đó”, tranh thủ thời gian, không kể mưa gió để đẩy nhanh công việc được giao trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Văn Chiến, người dân thôn Yên Cư, xã Xuân Sơn sau khi được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 cứu thoát khỏi dòng lũ dữ đã không kìm nén được xúc động, nắm chặt tay Đại úy Bùi Văn Hùng - Chính trị viên Tiểu đoàn 9 nói: “Không có các chú bộ đội thì tôi đã bị lũ cuốn trôi rồi. Bà con chúng tôi cũng không biết phải xoay sở thế nào trong lũ dữ”.

Theo lời ông Hoàng Văn Toàn - Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa kể lại, 1h30 phút sáng ngày 12 tháng 10, nước bắt đầu tràn vào nhà các hộ dân khu vực ngoài đê thuộc địa bàn xã Thiệu Vũ. Ban đầu nước ngấp nghé mép sân, 10 phút sau nước đã ngập lên đến mép giường… Nhận được mệnh lệnh của Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn (PCBL, TKCN) huyện, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Thiệu Hóa, Yên Định nhanh chóng có mặt cứu dân. Trong đêm tối, lấp loáng ánh đèn pin, ánh phát quang từ những chiếc áo phao mang dòng chữ QK4 trên những chiếc ca nô vượt dòng nước dữ đến từng nhà đưa người già, trẻ nhỏ lên thuyền chở đến nơi an toàn. Đến 3h 30 phút, công tác sơ tán người dân cơ bản hoàn thành thì xuất hiện nguy cơ nước tràn qua thân đê đe dọa tính mạng hàng trăm hộ thuộc thôn Cẩm Vân, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa. Vượt lên nguy hiểm, vất vả, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Thiệu Hóa và Yên Định cùng với bà con nhân dân cùng vận chuyển đất đá cứu đê.

Nhận được mệnh lệnh cứu đê, trong đêm tối, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762 vượt gần 100 km kịp thời có mặt tại hiện trường. Trong màn mưa tầm tã từ 5h 30 phút sáng đến hơn 12h trưa, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng các lực lượng đã bảo đảm an toàn tuyến đê.

Trên gương mặt vẫn còn bàng hoàng, chị Hoàng Thị Yến ở làng Cẩm Vân, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa xúc động nói: “Không có sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng thì hơn 500 hộ dân chúng tôi ngay dưới chân đê bây giờ không biết thế nào nữa. Bà con chúng tôi mang ơn các chú bộ đội nhiều lắm”.

Cùng đoàn cán bộ, Bộ Tư lệnh Quân khu đến nắm động viên, trao quà hỗ trợ của Quân khu cho bà con giáo dân thuộc Giáo xứ Kiến An, xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thắm đượm nghĩa tình quân dân trong cơn hoạn nạn.

Bà Lê  Thị Chắt, giáo dân Giáo xứ Kiến An khi đón nhận thùng mì tôm do Thiếu tướng Hà Tân Tiến - Phó tư lệnh Quân khu, bàn tay vẫn còn run, không nói nên lời: “Sợ lắm các chú ơi. Hơn 80 tuổi rồi tôi chưa bao giờ gặp cảnh như thế này. Bây giờ an toàn rồi. Hình ảnh các chú bộ đội Huyện vào cõng ông nhà tôi bị liệt 2 chân đưa lên thuyền tôi không bao giờ quên...”. Không chỉ gia đình bà Chắt mà hơn 400 hộ dân thuộc Giáo xứ Kiến An, huyện Nông Cống đều nhớ mãi tinh thần xả thân của cán bộ, chiến sĩ LLVT trong mưa lũ. 

Thông tin tình hình ngập lụt, mức độ thiệt hại và nguy cơ tiềm ẩn chết người, vỡ đê… tại các địa phương, liên tiếp được cập nhật từng giờ, từng phút về Sở chỉ huy tiền phương tại tỉnh Thanh Hóa đã như mệnh lệnh thôi thúc gần một vạn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân trên địa bàn và lực lượng dân quân ở các huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hà Trung, Nga Sơn... sử dụng mọi phương tiện từ thô sơ đến hiện đại cứu dân thoát lũ. Thiếu tướng Hà Tân Tiến đã có mặt rất sớm tại những điểm nóng, tâm lũ để tổ chức chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ dân.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Hà Tân Tiến cho biết: “Trước tình hình mưa lớn kéo dài, dự báo có thể xảy ra sạt lở đất, gây lũ ống, lũ quét, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo LLVT các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra; do đó, phần nào đã hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra. Quân khu đã cử các đoàn công tác đến khu vực xảy ra mưa lũ, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo LLVT địa phương giúp dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ. LLVT Quân khu sẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương không để người dân đang bị cô lập do giao thông chia cắt phải thiếu nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men...”.

Tại huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), trước tình hình mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, trong hai ngày 11 và 12/10, Ban CHQS huyện đã huy động 100% quân số và hơn 700 chiến sĩ lực lượng dân quân các xã tham gia giúp dân sơ tán người và tài sản. Một số đồng chí đang trong thời gian nghỉ phép, nhà bị ngập nhưng khi có lệnh điều động đã lập tức lên đường thực hiện nhiệm vụ. Điển hình như Thiếu tá Nguyễn Đức Hoan, Trợ lý dân quân Ban CHQS huyện Bá Thước, mặc dù nhà bị ngập nặng, sau khi khẩn trương di dời tài sản của gia đình, anh nhanh chóng có mặt tại đơn vị để cùng với cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện tham gia giúp dân.

Theo thông tin từ Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), do ảnh hưởng của mưa lớn đã làm nước dâng gây ngập lụt tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện, khiến nhiều tài sản, hoa màu và các công trình bị hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, LLVT huyện đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ cơ động đến các địa bàn xung yếu, giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Không quản gió to, mưa lớn, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện đã tích cực, khẩn trương di dời được 30 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tiến hành gia cố đê bao, xử lý tràn ở các địa điểm xung yếu.

Trao đổi qua điện thoại, Trung tá Đào Đăng Vinh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tương Dương cho biết: Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do lũ gây ra, LLVT huyện Tương Dương, đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phối hợp cùng với người dân địa phương tổ chức ứng cứu, di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó, LLVT huyện là chủ lực trong việc giúp người dân củng cố, dọn dẹp nhà cửa, trường học, công sở, khắc phục sự cố các công trình phúc lợi… Đặc biệt, trong nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện đã không quản ngại khó khăn, dầm mình trong mưa lũ, hối hả, lật từng gốc cây, tảng đá để tìm kiếm nạn nhân xấu số bị nạn do mưa lũ gây ra. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng thi thể nạn nhân cũng tìm thấy và được các cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện vận chuyển về cho gia đình, phối hợp cùng địa phương tổ chức mai táng nạn nhân đến nơi an nghỉ; sau đó, lại tiếp tục công tác khắc phục hậu quả do lũ, sửa chữa nhà cửa giúp ổn định cuộc sống cho bà con.

Trong đợt mưa lũ này, LLVT tỉnh Nghệ An đã huy động được 3.397 lượt cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, 16 lượt xe ô tô, 10 lượt xuồng cao tốc giúp di dời, sơ tán 264 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời, tổ chức lực lượng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tham gia khắc phục các điểm bị sạt lở, gia cố đê bao chống tràn, khắc phục hệ thống đường giao thông, sập nhà; tiến hành kê kích tài sản, nhà cửa của nhân dân nơi vùng trũng và tổ chức lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân bị mất tích do mưa lũ…

Trên địa bàn huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), nhiều thôn, xóm bị cô lập, các tuyến đường giao thông bị chia cắt, nhiều công trình thủy lợi hư hại. Cụ thể, đập Khe Nhảy (xã Sơn Tiến) đã bị tràn, chính quyền cùng các lực lượng quân sự, công an chở 200 bao tải đất đang khắc phục sự cố. Thượng tá Thái Công Anh - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hương Sơn cho biết: “Tại thôn 1, xã Sơn Giang, cụ Nguyễn Thị Thiệu (96 tuổi) qua đời, gia đình đã làm thủ tục chuẩn bị cho việc mai táng nhưng vì nước lũ mỗi lúc một to, tất cả các tuyến đường trong thôn đến nghĩa địa bị ngập sâu. Trước tình hình đó, chiều 10/10, Ban CHQS huyện Hương Sơn đã khẩn trương điều động 1 ô tô, 1 ca nô và 15 chiến sĩ giúp gia đình đưa người quá cố về nơi an nghỉ, đảm bảo an toàn tuyệt đối”. 

Theo số liệu thống kê, trong đợt mưa lũ này, để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo Sư đoàn 324, Sư đoàn 341, Bộ CHQS các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh huy động hơn 16.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ cùng các phương tiện gồm: 90 xe ô tô các loại, 40 tàu, xuồng... tổ chức di dời được 12.000 hộ dân đến nơi an toàn và tiến hành hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua các ngầm, tràn. Quá trình tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, không quản hiểm nguy, vất vả, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần và trách nhiệm cao nhất trước nhân dân.

Cứu dân trong những lúc nguy cấp, giúp đỡ dân trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, đặc biệt trong cơn lũ dữ, hình ảnh người lính LLVT Quân khu không quản hiểm nguy, ngâm mình dưới nước, đắp đê, be bờ, che chở cho dân đã để ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Hình ảnh ấy, thêm một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân của những người lính Cụ Hồ, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, khó khăn nào cũng vượt qua, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân./.

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực