Đà Nẵng dự kiến gần 310 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thứ bảy, 11/04/2020 14:53
(ĐCSVN) - Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn An, tổng số kinh phí để thực hiện các hỗ trợ trên dự kiến khoảng gần 310 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương dự kiến là 83,640 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách của TP dự kiến 225,091 tỷ đồng.
 Đại diện chính quyền quận Sơn Trà trao tặng quà hỗ trợ 500 ngàn đồng cho hộ chính sách tại phường Mân Thái.

Thông tin với phóng viên về tình hình thực hiện các gói hỗ trợ đối với các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Đà Nẵng đã dẫn lại 07 nhóm đối tượng được hỗ trợ lần này mà Nghị quyết của Chính phủ đã nêu ra.

Đồng thời ông này cho biết, trên tinh thần của Nghị quyết 42/NQ-CP kể trên, Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP triển khai khảo sát các nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ. Theo ông An, qua khảo sát, có những nhóm Sở đã nắm khá rõ như hộ nghèo, cận nghèo; các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng người có công nhận hưởng trợ cấp hàng tháng đều đã lập được danh sách. Tuy nhiên, một số nhóm còn lại như công nhân mất việc, người lao động mất việc, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng… thì chỉ chính quyền địa phương cơ sở mới nắm được, nên Sở không tham gia mà giao cho các địa phương thực hiện, nắm để lập danh sách.

“Để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hiện nay UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các quận, huyện huy động kinh phí từ các nguồn như: Quỹ vì người nghèo, kêu gọi ủng hộ của các tổ chức, cá nhân là nhà hảo tâm, các mạnh thường quân để hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn”- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết.

Ngoài ra, cũng theo ông An, các địa phương hiện cũng đang sử dụng nguồn từ ngân sách (thực hiện theo Nghị định 136) để hỗ trợ khó khăn đột xuất. Theo đó, với những gia đình khó khăn sẽ được hỗ trợ 15kg gạo/ khẩu để không bị rơi vào tình trạng thiếu đói.

“Tới thời điểm hiện nay, toàn TP đã huy động được hơn 02 tỷ từ các nguồn hỗ trợ trong xã hội, trong đó chủ yếu là từ Quỹ vì người nghèo và hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân cho các địa phương. Và tùy điều kiện và khả năng huy động được, mỗi địa phương có một mức hỗ trợ thêm tương đối. Trong đó, quận Hải Châu hỗ trợ mỗi hộ nghèo 500 ngàn đồng, nhà nào cần gạo thì hỗ trợ thêm 15kg gạo/khẩu; tại quận Thanh Khê thì hỗ trợ mỗi hộ nghèo 375 ngàn đồng… Cùng với đó, các địa phương cũng đang triển khai khảo sát các nhóm đối tượng để tiến hành hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ”- ông An cho biết thêm.

Tuy nhiên, ngoài hỗ trợ của Chính phủ, hiện nay Sở LĐTB&XH cũng đã đề xuất trình UBND TP để UBND trình Ban cán sự Đảng UBND và HĐND TP dự kiến hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng khác ngoài quy định của Trung ương, áp dụng trong 03 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020).

 Các đối  tượng đau ốm, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp chính quyền TP Đà Nẵng quan tâm, trao quà hỗ trợ lần này.

Cụ thể, các đối tượng là thân nhân của người có công cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên theo Nghị quyết của HĐND thành phố sẽ được hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng.

Đối với đối tượng xã hội, TP hỗ trợ mức 250.000 đồng/khẩu/tháng gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn TP được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 24/3/2020); hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, cụ thể: trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ em bị nhiễm HIV, người bị nhiễm HIV, người đơn thân, người cao tuổi theo Nghị quyết số 134/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố mở rộng ngoài quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; bộ đội phục viên, xuất ngũ bị bệnh tâm thần hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị quyết số 196/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố; người ngừng hưởng chế độ mất sức lao động có thời gian công tác thực tế dưới 15 năm hết tuổi lao động có hoàn cảnh khó khăn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 45/2010/QĐ-UB của UBND thành phố; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, trẻ em con hộ nghèo, trẻ em khuyết tật nhẹ, người cao tuổi không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu tự nguyện vào sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập theo khoản 4, Điều 25 của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP do các hội, cơ sở tự vận động nguồn lực nuôi dưỡng.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn An, tổng số kinh phí để thực hiện các hỗ trợ trên dự kiến khoảng gần 310 tỷ đồng, trong đó: Nguồn ngân sách Trung ương dự kiến là 83,640 tỷ đồng; nguồn từ ngân sách của TP dự kiến 225,091 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, có 07 nhóm đối tượng để hỗ trợ gồm:

Nhóm thứ nhất là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.

Nhóm đối tượng thứ 2 là người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Nhóm đối tượng thứ ba là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Nhóm đối tượng thứ tư là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Nhóm đối tượng thứ năm là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Nhóm đối tượng thứ sáu là các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Nhóm đối tượng thứ bảy là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực