Đắk Lắk tăng cường chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2019

Thứ tư, 27/03/2019 15:54
(ĐCSVN) – Đắk Lắk đang bước vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng được ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong khu vực hết sức quan tâm. Đặc biệt, trước dự báo nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của El Nino càng làm cho nguy cơ cháy rừng tại đây thêm gay gắt. Trước tình hình đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đắk Lắk càng được tăng cường, nhằm giữ được màu xanh cho những khu rừng ở đây.


Nhiều con suối tại các cánh rừng ở Đắk Lắk đã khô cạn

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu (tỉnh Đắk Lắk), đơn vị này được giao quản lý 36.000 ha rừng, trong đó gần 1.700 ha rừng trồng liên kết với người dân địa phương. Từ ngày 10/2, toàn bộ diện tích rừng của đơn vị đã được nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Những vùng rừng có nguy cơ cháy cao, đã nhanh chóng được phát dọn đường băng cản lửa và xử lý lớp thực bì dễ cháy.

Trước nguy cơ cháy rừng cao, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Núi Vọng Phu đang triển khai nhiều biện pháp để đề phòng cháy rừng. Theo ông Trần Oanh, Trưởng Ban quản lý rừng này cho hay, qua kiểm tra, chúng tôi đã phân chia, đánh dấu các khu vực có nguy cơ cháy cao theo từng cấp độ để theo dõi, quản lý; đồng thời tiến hành phân công lực lượng trực 24/24 với tinh thần sẵn sàng xử lý, dập tắt ngay khi có cháy xảy ra. Chúng tôi cũng đã triển khai phương án 4 tại chỗ gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hỗ trợ tại chỗ để chủ động sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra.

Trong khi đó, tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, để tránh tình trạng cháy rừng và ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, hàng năm vườn này đã ký hợp đồng với người dân trong khu vực để bảo vệ rừng.

Nói về công tác này, ông Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, hàng năm Vườn đã có những hợp đồng khoán với các thôn buôn, tổ chức cho người dân tham gia bảo vệ, phát hiện các hành vi vi phạm, cũng như phát hiện cháy rừng và chữa cháy. Tuy nhiên, để người dân đồng hành, cùng Vườn tham gia bảo vệ rừng, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng luôn thường xuyên tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ rừng của người dân.

Qua công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong thời gian gần đây, nhận thức của bà con về bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò của rừng, lợi ích của rừng… cũng như ý thức chủ động các phương án bảo vệ rừng mùa khô, nên 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk không để xảy ra cháy rừng.

Với sự chung tay của người dân cùng với các lực lượng chức năng,
Đắk Lắk đang thể hiện nhiều quyết tâm để giữ cho được màu xanh của rừng

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 200.000 hecta rừng, thuộc địa bàn các huyện Ea H'leo, Buôn Đôn, Ea Súp, M'Đrắk… nằm trong khu vực có nguy cơ cháy cao. Đa phần, diện tích rừng có nguy cơ cháy chủ yếu là rừng khộp, rừng lá kim và rừng trồng. Do đó, bên cạnh tập trung triển khai các phương án phòng chống cháy rừng thì đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn dân tham gia cũng hết sức cần thiết. Bởi, hiện còn rất nhiều nơi rừng và đất sản xuất của người dân xen kẽ với nhau, trong khi đó đây là thời điểm người dân thường phát đốt rẫy để chờ mưa xuống là gieo trồng.

Theo ông An Trọng Bôn, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn - nơi mà theo quy định sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt trước bất cứ một sự tác động nào của con người. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, trong vùng lõi này vẫn tồn tại một khu vực đất sản xuất của người dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Chính sự tồn tại bất hợp lý này đã khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và đốt rẫy làm cháy rừng vào mùa khô.

Nói thêm về công tác phòng chống cháy rừng tại đơn vị, ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt Kiểm Lâm vườn Quốc gia Yok Đôn thông tin, qua quá trình lực lượng của Ban Quản lý Vườn và Hạt Kiểm lâm xuống cơ sở, tiếp xúc, trao đổi với bà con, anh em đã luôn động viên, khuyến cáo bà con chỉ được làm trong phạm vi cho phép, còn nếu phát rộng ra thì lực lượng kiểm lâm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực như: chương trình 132, 134, 135, 167… đã góp phần làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, đặc biệt là theo như dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của El Nino nên mùa khô năm nay tại Tây Nguyên sẽ diễn biến hết sức phức tạp, nắng nóng với mức nhiệt cao sẽ kéo dài. Do vậy, để bảo vệ rừng trước nguy cơ cháy, hiện tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng chủ động xác định vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, đầu tư trang thiết bị, triển khai các biện pháp bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra./.

Bài, ảnh: Đ.Tăng- T.Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực