Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt qua khu dân cư

Thứ hai, 13/02/2017 15:07
(ĐCSVN) – Khu vực xảy ra tai nạn giao thông đường sắt thường xảy ra là tại các đường ngang dân sinh đi qua đường tàu, rất nhiều lối mở tự phát, nguy hiểm, thường trực đe dọa tính mạng của con người mỗi khi băng qua đường tàu. Mặc dù đã được ngành chức năng và các địa phương cảnh báo nhưng nhiều vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra.

Một đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Đồng Nai (Ảnh: K.V)

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân gây tai nạn không mới, chủ yếu vẫn do người dân vi phạm các quy định của pháp luật khi qua khu vực giao cắt đường sắt với đường bộ, chiếm đến 54%. Bên cạnh đó, còn do hệ thống đường sắt có quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, gần 5,8 nghìn điểm, tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%. Thực tế, 80% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt này.

Trước tình hình tai nạn giao thông trên đường sắt Bắc – Nam có chiều hướng diễn biến phức tạp, các địa phương có đường sắt đi qua, nhất là các địa phương tập trung đông dân cư, mật độ khu công nghiệp cao như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh…đã khẩn trương tìm các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và vật chất do tai nạn gây ra.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn sau khi họp bàn, đã đưa ra biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, đó là với những đường ngang dân sinh, điểm nào không xóa được thì phải tổ chức lực lượng cảnh giới, lắp đặt biển báo cảnh báo tai nạn giao thông. Tới đây, sẽ xây dựng những đường gom dân sinh để hạn chế những lối đi dân sinh tự phát.

Hiện, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Đồng Nai dài 89km với 113 điểm giao cắt, trong đó có 57 đường ngang hợp pháp và 66 lối đi dân sinh. Tuy nhiên, khá nhiều đường ngang dù hợp pháp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đường sắt Bắc- Nam hầu như đi trọn trong địa phận của thị xã Dĩ An, một địa phương có mật độ khu công nghiệp và số lượng công nhân khá cao. Những năm qua, địa phương này cũng đã có nhiều biện pháp phòng tích cực công tác an toàn giao thông. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, trên đoạn đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tổ 60, khu phố Bình Đường 4, phường An Bình, thị xã Dĩ An, với chiều dài gần 1km, ngành đường sắt đã cho xây dựng tường bao để bảo vệ hành lang an toàn đường sắt.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số người thiếu ý thức đã tự ý đục bỏ tường bao để băng qua đường sắt. Vào giờ cao điểm khi công nhân đi làm, việc bang qua đường sắt rất nguy hiểm, đã có tai nạn xảy ra, nhưng vì sự tiện lợi về thời gian, rút ngắn khoảng cách từ chỗ ở tới nơi làm việc, mọi người đã bất chấp nguy hiểm đến tính mạng để vượt qua những đoạn giao cắt tự phát với đường sắt.

Đoàn khảo sát liên ngành của Bình Dương đã tiến hành khảo sát và ghi nhận tình trạng đường ngang dân sinh trên địa bàn thị xã Dĩ An. Qua khảo sát thì hiện thị xã Dĩ An có hai điểm phức tạp về giao thông giữa tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua tổ 60, khu phố Bình Đường 4 và khu vực cầu Gió Bay, khu phố Bình Đường 3, phường An Bình. Nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt, Công an thị xã Dĩ An đã triển khai tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp băng ngang qua đường sắt và xử lý các trường hợp cố tình mở đường trái phép qua đường sắt. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát giao thông Thị xã cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng khác điều tiết giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh, tránh gây ùn tắc cục bộ, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân và an toàn đường sắt…; qua công tác tuyên truyền, thời gian qua tại các tuyến đường ngang, đường dân sinh băng qua đường sắt khi có tàu hỏa chạy qua, một số người dân đã tự nguyện đứng ra cảnh báo cho người dân biết, tránh tai nạn.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường An Bình, thị xã Dĩ An cho biết, trước tình trạng trên, Uỷ ban nhân dân thị xã Dĩ An đã chỉ đạo cho Uỷ ban nhân dân các phường triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông tại các đường ngang qua đường sắt trên địa bàn phường. Cùng với đó, vào các giờ cao điểm, Uỷ ban nhân dân các phường cử lực lượng đến khu vực đường dân sinh, đường ngang qua đường sắt để điều tiết giao thông khi có tàu hỏa chạy qua. Đồng thời, các địa phương cũng phối hợp với ngành đường sắt nắm lịch trình tàu chạy để triển khai lực lượng cảnh giới, bảo đảm an toàn tại các đường ngang, đường dân sinh. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân các phường còn phối hợp với ban ngành, đoàn thể tuyên truyền pháp luật cho người dân, đặc biệt là công nhân để họ nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 175 km, hiện có trên 65 đường ngang bất hợp pháp với chiều rộng mặt đường từ 2m trở lên. Mỗi năm còn phát sinh hàng trăm đường ngang dân sinh nhỏ hơn 2m. Do tốc độ xây dựng hai bên đường sắt diễn ra nhanh, những đường ngang dân sinh cũng xuất hiện nhiều, thậm chí nhiều điểm lấn chiếm hành lang lộ giới đường sắt tại địa bàn các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh...Năm 2016, trên địa bàn tỉnh này xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm hai người chết, so với năm 2015, giảm 8 vụ, giảm 6 người chết, giảm 3 người bị thương. Dù vậy, trật tự an toàn giao thông liên quan đến đường sắt, đặc biệt là những điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh còn diễn biến phức tạp.

Để tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, có phương án cụ thể trong việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt, cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép, tổ chức thực hiện cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn cung cấp lịch trình chạy tàu để tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn tại các đường ngang có người qua lại thường xuyên, kể cả đường ngang dân sinh. Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông đường sắt, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là hành vi mở đường ngang trái phép qua đường sắt.

Liên quan đến vấn đề an toàn giao thông đường sắt, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình cũng đã có công điện khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách kéo giảm tai nạn giao thông tại đường ngang qua đường sắt.

Cụ thể, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương có đường sắt đi qua tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt là hành vi mở đường ngang trái phép qua đường sắt. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua được yêu cầu chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định 994 về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020. Đồng thời, phải có kế hoạch cụ thể việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt; cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép và xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép.

Tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn cần phải cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn cung cấp lịch trình chạy tàu cho Ban An toàn giao thông và chính quyền địa phương các cấp để tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn tại các đường ngang, đường dân sinh. Phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến, bao gồm cả việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị, địa phương; trước mắt, phải đề xuất phương án và phân công rõ ràng trách nhiệm tổ chức cảnh giới an toàn cho toàn bộ đường ngang, bao gồm cả lối đi dân sinh./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực