Đảm bảo quyền lợi của trẻ em trên các phương tiện truyền thông

Thứ ba, 23/05/2017 10:16
(ĐCSVN) - Ngày 22/5, tại Vĩnh Phúc, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo Phóng viên báo chí về truyền thông triển khai Luật Trẻ em và những vấn đề về trẻ em. Đây là dịp để những người làm công tác truyền thông hiểu rõ thêm về Luật trẻ em cũng như những lưu ý khi đề cập tới trẻ em trên báo chí.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: KS)

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em đã thông tin cho đại diện các cơ quan báo chí những điểm nổi bật trong Luật Trẻ em. Cụ thể, Luật sẽ quy định 25 quyền/nhóm quyền của trẻ em với những quyền mới được bổ sung như: quyền của trẻ em khuyết tật; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền của trẻ em không có quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn... Những bổ sung này xuất phát từ những nảy sinh trong thực tế cũng như hoàn thiện quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ so với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề cập tới những trách nhiệm của truyền thông, báo chí được quy định trong luật, trong đó có trách nhiệm cung cấp thông tin cho trẻ em, cung cấp thông tin về trẻ em, trách nhiệm để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng qua các kênh thông tin phù hợp, trách nhiệm bảo vệ trẻ em thông qua quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, gia đình và bản thân...

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về một số bất cập trong quá trình báo chí truyền thông về trẻ em hiện nay. Cụ thể, một số cơ quan báo chí chỉ chú trọng đến những thông tin gây sốc mà bỏ qua những vấn đề con người, tâm lý, hoàn cảnh tác động đối với trẻ. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí tìm mọi cách tiếp cận nạn nhân và gia đình nạn nhân, chạy đua khai thác những chi tiết giật gân, thương tâm khiến không chỉ trẻ em mà những người thân trong gia đình cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các nhà báo cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm khi tác nghiệp trong những vụ việc về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và phòng ngừa lao động trẻ em.

Sau khi nghe các nội dung liên quan tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đưa ra những khuyến nghị trong hoạt động tác nghiệp của báo chí với đối tượng là trẻ em. Trong đó, mỗi phóng viên cần tuân thủ các nguyên tắc về pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp. Ở một số trường hợp, báo chí cần tham khảo ý kiến tổ chức chuyên môn trước khi nêu rõ thông tin liên quan đến sự việc, đặc biệt là các trường hợp nhạy cảm vì tội phạm, nạn nhân, người tố cáo...là thành viên gia đình của trẻ. Các cơ quan báo chí cần coi việc vi phạm các quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến an toàn, đời sống riêng tư, an ninh, giáo dục, sức khoẻ...của trẻ em và mọi hình thức bóc lột là những vấn đề quan trọng cần tìm hiểu và tranh luận trong công chúng.

Luật Trẻ em sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017./.


Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực