Đảm bảo tính khả thi khi cấm đi xe máy một số khu vực ở Hà Nội

Thứ sáu, 25/10/2019 16:22
(ĐCSVN) - Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng cần thiết phải phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030...
Sáng 25/10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án gồm: Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; Đề án “Thu phí phương tiện giao thông cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.


Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Văn Viện, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá, 2 Đề án này rất quan trọng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhâ,n góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài thành phố.

Ngày 4/7/2017, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04 về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030 với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng 2 Đề án nêu trên.

“Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của đại bộ phận nhân dân trong và ngoài thành phố cũng như động chạm đến các nhóm lợi ích khác nhau nên có nhiều ý kiến đa chiều. Đề án này sẽ xác định những điều kiện cụ thể để có thể thực hiện việc dừng hoạt động xe máy và thu phí xe cơ giới. Từ đó, khi những điều kiện được đáp ứng thì mới triển khai”, ông Vũ Văn Viện khẳng định.

Ông Vũ Văn Viện, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Hội thảo đã có 12 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và cùng cơ bản thống nhất sự cần thiết phải xây dựng 2 Đề án này, đồng thời xác định đây là những giải pháp cơ bản nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trước sự tăng trưởng rất mạnh mẽ khiến hạ tầng không thể theo kịp.

Về tiến trình dừng hoạt động xe máy vào năm 2030, các ý kiến thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn kinh nghiệm của thế giới trong việc hạn chế và tiến tới dừng hoạt động của xe máy đối với các đô thị đang phát triển có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Với phạm vi dừng hoạt động của xe máy tại địa bàn các quận vào năm 2030, cơ bản các ý kiến xác định những lựa chọn phạm vi giới hạn bởi các tuyến đường vành đai.

Mặt khác, việc hạn chế xe máy hay phương tiện cơ giới khác có thể thực hiện theo giờ, theo ngày,… vì mục đích chung là giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, phục vụ đi lại của đông đảo người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc hạn chế phương tiện xe máy cũng là tiền đề để phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Đối với Đề án về thu phí phương tiện, các ý kiến tập trung làm rõ bản chất của loại phí này là loại phí mới, không trùng lặp, “chồng lên” các loại phí đã có trong Luật phí và Lệ phí. Đặc biệt, Đề án cần phải nghiên cứu giảm chi phí hoặc miễn phí có giới hạn số lần đi vào khu vực thu phí, nhằm hạn chế ảnh hưởng cho người dân trong khu vực này.

Để đảm bảo tính khả thi của Đề án cần có các điều kiện đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, căn cứ pháp lý và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phương tiện giao thông đường bộ. Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đến nay, những ý kiến đóng góp vào Đề án đang có giá trị thực tiễn cao, đồng thời cam kết sẽ tiếp thu và đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn nhằm đưa cả 2 Đề án đi vào cuộc sống, đạt được những mục tiêu giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường, đặc biệt là tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân./.


Tin, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực